Ung thư tiền liệt tuyến tiến triển chậm và khó phát hiện. Bệnh nhân thường có triệu chứng về rối loạn tiết niệu, sinh dục.
Ông V.Q.H. (49 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, vài tháng nay, ông thấy tình trạng cương của dương vật giảm, khó duy trì lâu. Khi bác sĩ sàng lọc tìm nguyên nhân gây ra chứng “trên bảo dưới không nghe”, phát hiện kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt tăng lên bất thường.
Sau đó, ông H. được siêu âm hệ tiết niệu – tuyến tiền liệt. Bác sĩ nghi ngờ biểu hiện ung thư tuyến tiền liệt nên giới thiệu ông tới Bệnh viện K kiểm tra chuyên sâu. Kết quả sinh thiết cho thấy, bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến. Ông H. đã được phẫu thuật cắt tiền liệt tuyến.
Còn ông Nguyễn M.T. (59 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) có dấu hiệu tiểu nhiều vào ban đêm kéo dài nhiều năm nhưng không đi khám. Gần đây, ông đi tiểu rắt ngày càng nặng hơn, có tình trạng rối loạn cương, đau ở vùng hông. Ông T. nghĩ rằng bị sỏi thận nhưng khi đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn tiến triển.
Bệnh nhân điều trị ung thư tiền liệt tuyến tại Bệnh viện K.
Dấu hiệu dễ nhầm lẫn
Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K – giải thích, ung thư tiền liệt tuyến là ung thư biểu mô của tuyến tiền liệt. Bệnh tiến triển chậm, thường không có dấu hiệu.
Bệnh nhân có thể có dấu hiệu gián tiếp như tiểu khó, bí tiểu, tiểu nhiều lần, nhất là vào ban đêm. Ngoài ra, trong nước tiểu có thể có máu và tinh dịch. Một số trường hợp rối loạn cương dương, đau hông, lưng, ngực. Trường hợp diễn tiến nặng, bệnh nhân yếu, tê bì ở bàn chân, mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống. Đa phần người bệnh đều tình cờ phát hiện thông qua khám sức khỏe hoặc có các triệu chứng rối loạn đường tiểu.
Những yếu tố nguy cơ gây ung thư tiền liệt tuyến như chế độ ăn (nhiều thịt đỏ, ít rau), bèo phì, hút thuốc, mắc bệnh lây qua đường tình dục, viêm tuyến tiền liệt, tiếp xúc với hóa chất…
Bác sĩ Tuấn thông tin, nếu bệnh nhân xét nghiệm PSA tăng từ 4 ng/l bác sĩ có thể cho làm sinh thiết để chẩn đoán chính xác ung thư tiền liệt tuyến. Sinh thiết sẽ đánh giá độ biệt hóa, ác tính của tế bào ung thư.
Về việc điều trị, bác sĩ Tuấn cho biết phụ thuộc vào tuổi tác, giai đoạn bệnh. Nếu ở giai đoạn sớm, khi bệnh còn nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các tế bào ung thư tận gốc. Người bệnh có thể chữa khỏi, tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 100%. Giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể phẫu thuật, xạ trị áp sát và các biện pháp bổ trợ khác.
Tuy nhiên, tại Việt Nam phần lớn bệnh nhân đến viện được chẩn đoán đã ở giai đoạn muộn, di căn xa. Các vị trí di căn hay gặp của ung thư tiền liệt tuyến là xương, hạch ổ bụng, phổi, gan nên việc điều trị còn khó khăn.
Ung thư tiền liệt tuyến luôn là nỗi ám ảnh nhưng nam giới nhưng có khả năng phòng ngừa. Để sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, bác sĩ Tuấn cho biết, hiện nay xét nghiệm PSA khá hiệu quả. Đây là xét nghiệm marker chỉ điểm u, là xét nghiệm bước đầu cho ung thư tiền liệt tuyến.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, nam giới từ 50 tuổi trở lên cần xét nghiệm PSA. Những người trong gia đình có bố, anh trai bị ung thư tuyến tiền liệt nên xét nghiệm PSA từ 45 tuổi, theo dõi 6 đến 12 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm nhất (nếu có).
Nguồn: vietnamnet