Một phần kho báu được trục vớt |
Theo Tân Hoa xã ngày 20-3, các nhà khảo cổ học Trung Quốc thông báo đã phát hiện một kho báu gồm hơn 10.000 vật dụng và đồ trang sức bằng vàng và bạc có niên đại hơn 300 năm trước ở dưới đáy một dòng sông tại tỉnh Tứ Xuyên. Kho báu trên được phát hiện ở độ sâu khoảng 5 mét dưới đáy sông, thuộc điểm giao nhau của sông Minjiang và nhánh sông Jinjiang, cách thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên 50 km về phía Nam. Theo Giám đốc Viện nghiên cứu khảo cổ và di sản văn hóa Gao Dalun, kho báu trên chứa nhiều tiền xu cũng như trang sức bằng vàng, bạc và đồng, bên cạnh những vũ khí chế tạo bằng sắt như gươm, dao và giáo mác. Hiện chưa rõ các ký tự được khắc trên các vật dụng bằng vàng và bạc trên, nhưng các nhà khảo cổ cho biết những họa tiết rập nổi trên đồ trang sức thể hiện tay nghề khéo léo và tinh vi của những người thợ thời xưa. Nhà khảo cổ học Li Boqian thuộc Đại học Bắc Kinh nhận định các vật dụng trên vô cùng có giá trị đối với khoa học, lịch sử và nghệ thuật Trung Quốc cũng như đóng vai trò đáng kể đối với công tác nghiên cứu đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quân sự đời nhà Minh (1368-1644). Các nhà khảo cổ cho biết sẽ tiến hành khai quật khu vực trên đến tháng 4 tới và dự kiến sẽ phát hiện thêm nhiều đồ vật khác. Khu vực trên là nơi lãnh tụ khởi nghĩa nông dân Trương Hiến Trung (Zhang Xianzhong) bị binh lính của nhà Minh đánh bại năm 1646.Tương truyền rằng Trương Hiến Trung mang theo 1.000 thuyền chở các thứ vàng bạc châu báu đánh cướp được đến bến Lão Hổ, trấn Giang Khẩu, huyện Bành Sơn thì bị tướng nhà Minh bất ngờ tập kích khiến phần lớn đội thuyền đều chìm xuống sông. “Các món đồ tìm thấy lần này đã giúp xác định được khu vực diễn ra trận đánh và cũng là chứng cứ rõ ràng cho sự kiện lịch sử nói trên”, nhà khảo cổ học Trung Quốc Wang Wei nêu ý kiến. Công tác trục vớt kho báu đã được chuẩn bị từ tháng 1 năm nay khi mùa khô bắt đầu ở Tứ Xuyên. Nhóm trục vớt phải dùng máy bơm nước bơm ngày đêm để tháo nước khỏi đoạn sông.