Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) và Công ty tư vấn của Pháp (ADPi) dự kiến sẽ ký vào tháng 11 tới đây, trong đó phía Pháp sẽ cấp tín dụng ODA 1,3 triệu USD cho công tác lập điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (HKQT).

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Tờ trình lên Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc xin phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nghiên cứu phương án mở rộng và lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050”.

Mục tiêu của dự án là nghiên cứu rà soát quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Nội Bài, lập phương án mở rộng, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Nội Bài đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết CHK Nội Bài tầm nhìn đến năm 2050, công suất của Cảng dự kiến đạt 80-100 triệu khách/năm

Dự án thực hiện trong thời gian 12 tháng với tổng số kinh phí hơn 1,4 triệu USD (khoảng 34,7 tỷ đồng). Trong đó, Chính phủ Pháp cấp số vốn viện trợ không hoàn lại là hơn 1,3 triệu USD (khoảng 30,8 tỷ đồng). Vốn đối ứng phía Việt Nam được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước cho Cục Hàng không Việt Nam là 1,229 tỷ đồng và hiện vật tương đương 2,49 tỷ đồng.

Cảng HKQT Nội Bài đang quá tải nghiêm trọng và cần phải điều chỉnh lại quy hoạch
Cảng HKQT Nội Bài đang quá tải nghiêm trọng và cần phải điều chỉnh lại quy hoạch

Trước đó, ngày 6/8, Đại sứ quán Pháp đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam và khẳng định “đề nghị của Cục Hàng không Việt Nam về khoản viện trợ không hoàn lại đã khiến phía Pháp quan tâm và đồng ý về mặt nguyên tắc”.

Phía Pháp đang đợi cơ quan chức năng Việt Nam gửi cho công ty ADPi công văn chính thức xác nhận thống nhất với đề xuất dự án của ADPi và chi tiết về giá trị, phần đóng góp phía Việt Nam.

Về những điều kiện ràng buộc với khoản viện trợ không hoàn lại, công văn của Đại sứ quán Pháp nêu rõ “Phía Pháp không có quy định đối với khoản viện trợ không hoàn lại này, miên là các cơ quan phía Việt Nam phát huy được giá trị và sử dụng hiệu quả dự án”.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng HKQT Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng đạt 20-25 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030, Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng hàng không như hiện nay, Cảng HKQT Nội Bài đã trở nên quá tải.

Cảng HKQTNội Bài có công suất hạ tầng hiện hữu khoảng 21 triệu hành khách (với 2 đường cất hạ cánh song song cách nhau 250m) nhưng thực tế khai thác năm 2017 đã đạt gần 24 triệu hành khách, gây áp lực tại các nhà ga, khu đỗ, khu hậu cần, hạ tầng giao thông đối nội và đối ngoại.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, phải khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh. Quan điểm của Bộ GTVT thống nhất, cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài về hướng Nam, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050.

Hôm 12/10, tại buổi kiểm tra hoạt động khai thác, bảo đảm an toàn bay tại Cảng HKQT Nội Bài, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không sử dụng nguồn ODA của Pháp để rà soát quy hoạch cũ, đề xuất phương án mở rộng và lập quy hoạch chi tiết sân bay Nội Bài.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo Cục Hàng không và các đơn vị liên quan phải triển khai nhanh, khoa học, bài bản, khách quan, thực hiện xong công tác chuẩn bị trong tháng 6/2019 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt, trên cơ sở đó huy động nguồn lực để có thể triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2030.

Hồi tháng 4, UBND TP.Hà Nội cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm hoàn chỉnh Quy hoạch giao thông và tổ chức cắm mốc giới Quy hoạch, mở rộng Cảng HKQT Nội Bài.

Theo Dân Trí

Từ khóa : cảng hàng không quốc tế Nội Bàiđiều chỉnh quy hoạchVốn ODA Pháp

Các tin liên quan đến bài viết