Pháp luật hiện nay không có bất cứ văn bản hướng dẫn nào quy định đối với trường hợp “ly hôn bằng miệng” hay “ly hôn thực tế”. Thủ tục ly hôn duy nhất pháp luật quy định là do tòa án thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, việc kết hôn và ly hôn phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định, do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp đã đăng ký kết hôn nhưng do mâu thuẫn mà sống ly thân, mỗi người một nơi thì dù ly thân bao nhiêu năm cũng không được coi là đã ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa họ vẫn tồn tại.

Theo tiến sĩ Đặng Văn Cường, khi vợ chồng mâu thuẫn xung đột, có những lời nói trách móc, oán giận, nặng lời, gây tổn thương lẫn nhau là khó tránh khỏi.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường 

Khi đó có thể xuất hiện lời đề nghị: “ly hôn đi” và người kia vì bực tức mà cũng “đồng ý” ngay, tình huống này có thể gọi là “ly hôn bằng miệng”, chứ chưa theo trình tự thủ tục pháp luật, chưa được pháp luật thừa nhận.

Bởi vậy, sau đó nếu hai người không đến tòa án để làm thủ tục thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn, chưa có bản án, hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án cho chấm dứt quan hệ hôn nhân thì việc “ly hôn bằng miệng” đó không có giá trị pháp lý.

Theo luật sư, pháp luật về hôn nhân và gia đình Việt Nam có thừa nhận “hôn nhân thực tế” (tức là không đăng ký kết hôn nhưng cũng được coi là vợ chồng trong một số trường hợp), nhưng không thừa nhận “ly hôn thực tế”, dù có nhiều trường hợp hai vợ chồng không còn coi nhau là phu thê, không thực hiện nghĩa vụ của vợ, của chồng mấy chục năm liền.

Nói cách khác, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn ly hôn, thỏa thuận ly hôn bằng miệng chỉ là khởi đầu cho một quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, việc ly hôn thành công chỉ có thể được tòa án công nhận bằng một bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

Trong trường hợp có bản án, quyết định do tòa án cấp sơ thẩm ban hành cho phép ly hôn nhưng nếu quyết định bản án đó có kháng cáo, được xem xét lại theo thủ tục phúc thẩm thì cũng chưa được coi là có hiệu lực pháp luật, chưa được coi là đã ly hôn.

Để chấm dứt quan hệ hôn nhân, trở thành “độc thân”, được tự do yêu đương, kết hôn với người khác, các đương sự phải có Đơn yêu cầu tòa án xem xét giải quyết cho ly hôn, kèm theo đó là bản chính đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con và các giấy tờ về tài sản (nếu có yêu cầu chia tài sản).

Sau khi nhận đơn, tòa án sẽ kiểm tra, xem xét và có thể thụ lý để giải quyết. Thủ tục giải quyết một vụ việc thuận tình ly hôn trong thời hạn hai tháng; Thủ tục giải quyết một vụ án ly hôn có tranh chấp về hôn nhân, về quyền nuôi con hoặc về tài sản là trong thời hạn khoảng 7 tháng.

Nếu vụ việc tranh chấp về tài sản phức tạp, thời gian kéo dài có thể hàng năm cũng chưa xong.

Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, người đang có vợ, có chồng (chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định của pháp luật) mà chung sống như vợ chồng với người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định hôn nhân một vợ một chồng theo quy định tại Điều 182, BLHS.

Còn trường hợp ngoại tình (quan hệ lén lút) nhưng chưa được coi là “chung sống như vợ chồng”, hành vi này chỉ vi phạm đạo đức xã hội.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ly hôn

Các tin liên quan đến bài viết