Mẹ bị liệt do tai nạn lao động, ba bị gai cột sống và thoát vị đĩa đệm nhiều năm nên kinh tế của gia đình em Phan Thị Hiền (học sinh lớp 10, Trường THPT Đa Kia) ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh (Bù Gia Mập) rất khó khăn. Hằng ngày, ngoài thời gian đến lớp chị em Hiền phải thay phiên nhau đưa mẹ đi bệnh viện điều trị bệnh và phụ giúp ba kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng không vì thế mà chị em Hiền bỏ bê việc học. Ngược lại, các em đều học rất giỏi và là niềm tự hào của gia đình.
NHỮNG BIẾN CỐ
Chúng tôi cùng cán bộ Hội Phụ nữ xã Phước Minh đến thăm nhà em Hiền vào đầu giờ chiều. Tổ ấm của gia đình em là căn nhà mái tôn, xung quanh được che chắn bằng các phên lồ ô đã mục. Khi chúng tôi đến, anh Phan Văn Chiến (ba của Hiền) đang đi làm thuê, còn chị Trần Thị Khai (mẹ Hiền) điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Trong nhà chỉ có Hiền và Hạnh (em gái thứ 2 của Hiền) đang học bài.
Phan Thị Hiền (trái) và em gái Phan Thị Hạnh (học sinh lớp 5) tranh thủ học bài khi có thời gian rảnh
Chị Trần Thị Khai, quê ở tỉnh Nghệ An, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên vào Bình Phước ở với người bà con để làm thuê từ năm 1998. Sau đó chị lập gia đình với anh Phan Văn Chiến ở thôn Bình Tân, xã Phước Minh. Vợ chồng chị được mẹ chồng cho mảnh đất bên hông nhà dựng chòi ở riêng. Hằng ngày, vợ chồng chị đi cạo mủ, hái tiêu thuê kiếm sống. Dù vất vả nhưng gia đình luôn đầy ắp tiếng cười khi các con lần lượt ra đời. Niềm vui chưa được bao lâu thì năm 2000 chị Khai bị tai nạn giao thông phải cắt bỏ lá lách. Đến năm 2007, chị lại bị bệnh thận. Biến cố liên tục làm chị Khai kiệt quệ sức lực, trong khi đó chồng bị gai cột sống, thoát vị đĩa đệm không thể làm được việc nặng.
Dù bệnh tật chị Khai vẫn là lao động chính trong nhà. Ngoài chăm sóc 1 sào tiêu của gia đình, chị còn đi hái tiêu, lượm điều, làm cỏ thuê lo cho các con ăn học. Những tưởng cuộc sống bình dị cứ thế trôi qua, nào ngờ năm 2016 trong một lần đi hái tiêu thuê, do làm việc quá sức nên chị bị ngã từ trên thang xuống đất làm gãy 2 đốt cột sống và dập tủy. Chấn thương quá nặng nên đôi chân chị Khai bị liệt vĩnh viễn. Anh Chiến đưa chị Khai về điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh theo phương pháp châm cứu. Thế nhưng bệnh tình chị Khai vẫn không thuyên giảm, tiền bạc trong nhà dần cạn kiệt nên anh đành đưa chị về nhà. Vì nằm bất động nên một phần da của chị Khai bị hoại tử, gia đình lại phải vay mượn đưa chị đi ghép da 2 lần. Từ ngày chị gặp nạn, gia đình đã vay khoảng 300 triệu đồng. Anh Chiến mặc dù bị bệnh nhưng phải cố gắng đi làm thuê để kiếm tiền lo cho gia đình.
NIỀM TỰ HÀO CỦA GIA ĐÌNH
Anh Chiến ngậm ngùi nói: “Thời điểm mẹ cháu bị nạn, tiền làm thuê của tôi không đủ lo ăn hằng ngày nên đành bấm bụng cho 2 cháu đầu nghỉ học để phụ giúp gia đình và chăm sóc mẹ. Nhưng vì 2 cháu rất ham học, thầy cô cũng đến nhà động viên nên tôi cho các cháu quay lại lớp”.
Các con tiếp tục đi học đồng nghĩa với việc anh Chiến phải làm nhiều hơn để có tiền lo thuốc cho vợ và đóng học phí cho các con. Trung bình 1 tuần tiền thuốc của chị Khai đã hết 1 triệu đồng, tiền đóng học cho 4 con đầu năm cũng trên 10 triệu đồng. Vì vậy, ngoài thời gian đi cạo mủ thuê (3 triệu đồng/tháng), anh Chiến còn nhận phun thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân trong vùng. Thấu hiểu sự vất vả của ba, ngoài thời gian đến lớp, chị em Hiền còn phụ giúp ba làm việc và chăm sóc mẹ.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng 9 năm liên tục Hiền là học sinh giỏi của trường, em của Hiền cũng học rất giỏi. Khi hỏi về ước mơ, Hiền cho biết em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho ba mẹ và mọi người.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Khai, những năm qua chính quyền xã đã thăm hỏi, động viên, tặng quà nhân dịp lễ, tết. Vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bù Gia Mập đã hỗ trợ gia đình chị 35 triệu đồng và Quỹ Vì người nghèo xã Phước Minh hỗ trợ gia đình 25 triệu đồng để xây nhà tình thương. Căn nhà đang xây dựng, dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thành. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền sẽ giúp gia đình chị Khai vơi bớt khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.
Nguồn Báo Bình Phước