Theo các giáo viên, đề thi văn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của TP.HCM có yếu tố mới, sáng tạo và gây hứng thú thực sự, cho cả người học và người dạy.

Hơn 11.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 ở TP.HCM vừa trải qua kỳ thi học sinh giỏi. Với yêu cầu bàn về Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương, đề thi học sinh giỏi môn Văn của TP.HCM tiếp tục nhận được nhiều lời khen.

“Tuổi 18, Tôi lớn lên trong một thời đại mà môi trường sống bị hủy hoại, khí hậu biến đổi, dịch bệnh hoành hành. Những vấn nạn ấy khiến mối quan hệ giữa các quốc gia, giữa người và người bị đứt gãy. Tôi lớn lên trong một thời đại mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi mọi thứ, công nghệ hiện đại dần thay thế con người trong mọi lĩnh vực. Thực trạng ấy khiến con người mất niềm tin vào bản thân, nơm nớp nỗi lo “bị thay thế”. Tôi lớn lên trong một thời đại mà các giá trị sống, các quy chuẩn đạo đức, các quan niệm xã hội thay đổi, va chạm nhau đến nảy lửa. Những thay đổi và xung đột ấy khiến con người hoang mang, mất phương hướng. Tuổi 18, một tuổi trẻ chông chênh và lo lắng… (Lời tâm sự của một bạn trẻ).

Đối với học sinh không chuyên, câu hỏi đặt ra là học sinh có đồng ý với suy nghĩ trên và viết bài văn để đối thoại với bạn trẻ ấy.

Trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn con người như thế nào? Từ những trải nghiệm trong quá trình đọc tác phẩm văn chương, học sinh hãy viết bài văn trả lời cho câu hỏi trên.

Đối với học sinh chuyên, vẫn là đoạn văn trên nhưng câu hỏi số 2 là, trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, văn chương nên quan tâm nhiều nhất đến các sứ mệnh nào sau: làm cho người gần người hơn (Nam Cao), xây dựng niềm tin vào con người (Tố Hữu), chữa lành vết thương cho người (Nguyễn Ngọc Tư).

Phấn khích với đề thi học sinh giỏi Văn của TP.HCM
Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12 của TP.HCM cho học sinh không chuyên

Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du, nhìn nhận đề  thi đã không đi theo truyền thống là học sinh sẽ học tủ, học vẹt mà hướng tới văn hóa đọc. Đề thi cũng không đi sâu vào đặc trưng của văn học mà nhấn mạnh giá trị nhân đạo, nhân văn.

Ở câu hỏi số 1, theo cô Oanh, các em đã 18 tuổi, dù được chứng kiến khí hậu biến đổi, dịch bệnh hoành hành, nhưng sẽ có cái nhìn tích cực hơn. Các em thế hệ trẻ, năng động, sáng tạo và bứt phá, nhanh nhạy với thời cuộc nhưng không xa rời thực tế.

Câu hỏi số 2 đề thi không đi theo truyền thống về nghị luận văn học, sáo rỗng và khuôn mẫu. Đề thi định hướng các em biết đọc và biết chọn những tác phẩm có giá trị trong văn học để đọc.

Theo cô Oanh, ở cấp 2, học sinh TP.HCM đã có quá trình đọc sách và lớn lên cùng sách. Ở cấp 3 các trường THPT cũng chú trọng văn hóa đọc. Vì vậy, từ đề thi này giáo viên sẽ chọn được những học sinh có lập luận xuất sắc và biết chọn tác phẩm để viết.

“Về cảm thụ văn chương, đề thi không thiên nhiều nghệ thuật mà chủ yếu nâng đỡ tâm hồn là giá trị nhân đạo, nhân văn. Nếu đánh giá đề thi ở tính văn chương thì ở mức độ trung bình, nhưng đề thi đảm bảo tính thẩm mỹ và kiến thức phù hợp với thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố”- cô Oanh nói.

Phấn khích với đề thi học sinh giỏi Văn của TP.HCM
Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 12 của TP.HCM cho học sinh chuyên

Một giáo viên ở TP.HCM khi đọc đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn bộc bạch, cô cảm thấy bất ngờ, vui, và tự hào về đề thi.

Theo cô, đề thi có yếu tố mới, sáng tạo và gây hứng thú thực sự cho cả người học và người dạy.

Từ Phú Yên, đọc đề thi học sinh giỏi Văn lớp 12 của TP.HCM, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh thốt lên “một đề thi hay, giàu ý nghĩa”.

Theo thầy Minh, chính cách ra đề sáng tạo đã mở ra cơ hội tốt để học sinh thể hiện sức nghĩ, sức viết, khả năng sáng tạo của mình.

“Cả hai câu hỏi trong đề thi học sinh giỏi trong đề thi không tách biệt mà nối kết với nhau trong một chủ đề chung là “Tuổi trẻ chông chênh và sứ mệnh của văn chương”.

Nội dung đặt ra trong cả 2 câu đều giàu ý nghĩa, đề cập đến một vấn đề nhức nhối là sự băng hoại các giá trị của con người và cuộc sống hôm nay cũng như sự chông chênh, mất phương hướng của tuổi trẻ. Từ đó đặt ra vấn đề sứ mệnh cao cả của văn chương trong việc nâng đỡ tâm hồn người. Câu 1 yêu cầu viết bài văn để đối thoại, đây là cách hỏi mở, tạo điều kiện để học sinh thể hiện được quan điểm riêng của mình”- thầy Minh nói.

Tuy nhiên, nếu nhặt “sạn” cho đề thi, góc nhìn riêng của thầy Minh là nội dung đặt ra trong câu 2 không mới, cách hỏi có phần giống cách hỏi trong đề thi HSG quốc gia năm học 2019 – 2020, nhưng lại có vẻ hơi rườm rà.

“Theo tôi, chỉ cần nêu: “Theo anh/ chị, trong thời đại nhiều thay đổi như hiện nay, tác phẩm văn chương có ý nghĩa nâng đỡ tâm hồn người như thế nào?” là đủ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đề thihọc sinh giỏilớp 12môn vănTP HCM

Các tin liên quan đến bài viết