Nếu có một phương pháp đúng thì những chiếc điện thoại sẽ là cây đũa thần trong tay học trò. Nếu phương pháp đã dở thì một cuốn sách giáo khoa đạo đức cũng trở thành gây hại.
Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp học, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, nhưng ý kiến phản đối dường như nhiều hơn. Là một người làm công tác dạy học, tôi thấy mình cần có trách nhiệm nói lên quan điểm của cá nhân về vấn đề này.
Thứ nhất, tạm bỏ qua những yếu tố về các vấn đề sức khỏe, về thần kinh học… có liên quan tới sóng điện thoại và internet, vì nó là yếu tố khách quan và cần có các kết luận khoa học thực nghiệm để làm cơ sở cho lập luận. Ở đây chỉ bàn về dạy – học như một hình thức phát triển các năng lực và phẩm chất người.
Đầu tiên, chúng ta phải xác định, trong trường hợp này, chiếc điện thoại là một công cụ học tập. Về bản chất nó không khác gì một cuốn Atlat địa lý, một bảng tuần hoàn hóa học, một cuốn từ điển, hay bất kỳ một cuốn sách nào khác. Chúng giống nhau vì đều chứa thông tin và tri thức. Sự khác nhau nằm ở chỗ, một chiếc điện thoại thì chứa nhiều hơn cả triệu lần (thậm chí hàng tỉ lần) một cuốn sách. Sự khác nhau thứ 2 là, để tìm thấy thông tin mà mình cần trong một cuốn sách thì phải đọc từ đầu tới cuối, còn một chiếc điện thoại thì chỉ mất vài giây để gõ từ khóa, và sự lựa chọn cũng phong phú hơn.
Nếu ta không chấp nhận một chiếc điện thoại (chứa sách báo) thì cũng giống như việc không chấp nhận những cuốn sách bản giấy. Còn việc đọc trên bản giấy và trên màn hình smartphone về thực chất không có gì khác nhau. Tại sao việc mang 10 cuốn sách trên lưng lại được ủng hộ như một điều tự nhiên mà việc mang một vạn cuốn trong lòng bàn tay lại là điều không thể chấp nhận được? Trong khi nó tiện lợi hơn vì giúp ta lật đến trang mà ta cần ngay tức khắc; và nếu ta muốn đọc nguyên cả cuốn thì cũng không có cản trở gì (chỉ cần thay bằng một chiếc Ipad để có màn hình lớn tương đương 1một trang sách cho đỡ mỏi mắt).
Thậm chí, bộ sách giáo khoa, sách tham khảo (cứng) hoàn toàn có thể số hóa để đựng gọn lỏn trong một chiếc điện thoại, bên cạnh hàng vạn cuốn khác. Đây có phải là một cách để chấm dứt vấn nạn làm tiền từ sách vở của học sinh mà xã hội đang bất bình?
Trường THPT Trần Hữu Trang thí điểm cho học sinh làm bài thi trên điện thoại máy tính hồi tháng 10/2020 |
Thứ 2, nỗi băn khoăn phổ biến của dư luận là cách dùng và cách quản lý điện thoại của học sinh trong giờ học như thế nào. Theo tôi, nó không thể quản lý được một cách cơ giới bằng mệnh lệnh, ví dụ “các em mở điện thoại ra”, “các em cất điện thoại đi” v.v.. Cách quản lý này sẽ gây ra một lớp học rối loạn bởi nó không bao giờ triệt để được. Chỉ cần vài em làm trái yêu cầu của giáo viên thì lớp học có thể ngừng vì xỷ lý… chúng ta sẽ hình dung ra sự lộn xộn khó mà tưởng tượng nổi khi một lớp có khoảng 40 chiếc điện thoại lại được quản lý bằng cách ấy.
Cái quan trọng nhất, đóng vai trò là linh hồn của một giờ học không phải là các mệnh lệnh kiểu đó của giáo viên, mà chính là tư tưởng giáo dục được hiện thực bằng phương pháp tổ chức dạy – học. Nếu có một phương pháp đúng thì những chiếc điện thoại sẽ là cây đũa thần trong tay học trò; nếu phương pháp đã dở thì một cuốn sách giáo khoa đạo đức cũng trở thành gây hại.
Chúng ta hãy hình dung thế này cho dễ hiểu, có những kỳ thi, môn thi với yêu cầu “thí sinh được phép sử tài liệu”. Và có người mang vào phòng thi cả chồng sách chất cao hơn đầu người nhưng kết quả là vẫn bị đánh rớt. Vì sao vậy? Vì những cái đề thi ấy đòi hỏi tư duy trên nền của thông tin. Anh được tra cứu thông tin, nhưng chúng phải được xử lý để giải quyết vấn đề. Nếu anh chỉ chép thông tin vào bài làm thì việc ấy là vô nghĩa.
Dạy học giải quyết vấn đề phải trở thành yêu cầu trọng yếu trong phương pháp của giáo viên. Phương pháp này không những không mâu thuẫn, mà ngược lại, còn là tiến bộ trong giáo dục với mục tiêu phát triển tư duy.
Lịch sử có những bước đi không thể vãn hồi, và cũng không cần phải vãn hồi; những sự luyến tiếc quá khứ vốn là bản tính của của con người. Việc đọc sách trên bản giấy mang ý nghĩa “thẩm mĩ” nhiều hơn là một cái gì thiết thực. Cũng giống như một nhà Nho đốt trầm ngồi đọc sách bên cạnh cây đèn cầy vậy. Hình ảnh ấy đẹp. Ngày nay thì nhiều người nằm trên sofa và đọc trong chiếc điện thoại của họ.
Làm bài thi trên điện thoại, học sinh ngay lập tức biết điểm của mình sau khi hoàn thành |
Thứ 3, công nghệ số đang thống trị con người, nó tạo ra luật chơi, mà không một cá tính nào có thể quay lưng để tự chơi một mình. Thay vì quay lưng với hiện thực, thì chúng ta nên học cách làm chủ nó, để đạt tới tự do theo cách của một người hiểu biết về đối tượng.
Trong thời đại của thông tin, một người có khả năng nắm bắt càng nhanh thì càng có ưu thế. Một người biết xứ lý giữa rừng thông tin là người chiến thắng trước những kẻ bị nhiễu loạn bởi sự bủa vây của chúng.
Học cách tìm kiếm và xử lý thông tin, biến nó thành tri thức và nhận thức là yêu cầu bắt buộc của thời đại. Và như thế, việc dạy cho học sinh những kỹ năng này là một đòi hỏi đối với giáo dục.
Thứ 4, cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định này phải dẫn tới những phản ứng tiêu cực như là tất yếu. Vì, ngành giáo dục chưa trang bị cho hệ thống của mình những nền tảng thiết yếu về tư tưởng (triết lý giáo dục) và phương pháp để hiện thực cái tư tưởng ấy.
Vấn đề bây giờ không phải là “tập huấn”, mà cần một cuộc cách mạng nhận thức trong giáo dục, từ những nhà quản lý đến đội ngũ giáo viên.
Nguồn: vietnamnet