“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng người có công (Ảnh: KT)
Sáng ngày 26/7, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc.
Đến dự buổi lễ có: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, dự buổi lễ có 700 đại biểu người có công tiêu biểu đại diện cho hơn 9 triệu người có công trong cả nước.
Chăm lo tốt hơn đối với người có công
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng những tình cảm sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất.
Nhấn mạnh đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, chúng ta đã ban hành và quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi người có công. Hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện, mở rộng đối tượng; dù ngân sách nhà nước còn hạn hẹp nhưng mức hỗ trợ ngày càng tăng.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, với nhiều chương trình sinh động, thiết thực như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa; nhà tình nghĩa; vườn cây tình nghĩa; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng.
Tuy nhiên theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, còn nhiều thương binh, bệnh binh vẫn bị những vết thương dày vò; nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính; vẫn còn những người, những gia đình chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi… Đây là những điều day dứt trong lòng người thân và trong mỗi chúng ta.
“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chăm lo cho người có công và gia đình người có công. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về công tác chăm sóc người có công với cách mạng, thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công theo hướng mở rộng đối tượng, tăng mức hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch và phù hợp tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ta.
Bố trí tăng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động, đa dạng hóa nguồn lực xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh và các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, quan tâm chăm lo y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở… trước hết là đối với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thủ tướng cũng đề nghị làm tốt hơn nữa công tác tu bổ, tôn tạo mộ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; nhanh chóng giải quyết hồ sơ tồn đọng. Phấn đấu đến năm 2020, giải quyết cơ bản hồ sơ đề nghị xác định người có công còn tồn đọng.
Phát triển sâu rộng các phong trào ”Đền ơn đáp nghĩa”, ”Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng”… với nhiều chương trình phong phú, thiết thực, để cùng chung tay với Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công với cách mạng.
Thường xuyên động viên, khích lệ, kịp thời biểu dương khen thưởng các thương binh, bệnh binh, gia đình người có công phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cũng mong các đồng chí, những anh hùng, những thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, mãi là những tấm gương sáng về ý chí tự lực, tự cường trong học tập, công tác, lao động và sản xuất, không ngừng nỗ lực tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.
Trân trọng những tấm gương tiêu biểu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-B&XH Đào Ngọc Dung xúc động nói: “700 đại biểu dự hội nghị là thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công đại diện cho hàng triệu người có công trong cả nước, trong lực lượng quân đội nhân dân và lực lượng công an nhân dân. Đây là những người mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu, là những điển hình trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, là những anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động tiêu biểu, là những người cả cuộc đời đi tìm hài cốt đồng đội hay gắn bó với anh linh các liệt sĩ; họ là những người mẹ, người vợ, người con trung hậu đảm đang vượt khó vươn lên; là những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, những người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học và những thương binh, bệnh binh tiêu biểu cho ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó, đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt, nhiều người đã được Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua, thầy thuốc nhân dân, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân… những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước”.
Các đại biểu đã vô cùng xúc động khi được giao lưu với những tấm gương tiêu biểu trong số 700 đại biểu. Đó là mẹ Nguyễn Thanh Tùng (bí danh Nguyễn Thị Điểm), 87 tuổi, vừa là Mẹ Việt Nam anh hùng, vừa là Anh hùng lực lượng vũ trang, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở vùng Gia Định – Sài Gòn. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bố mẹ và 8 người anh của mẹ lần lượt hy sinh, từ năm 11 tuổi mẹ đã làm giao liên, thư từ cho các cơ sở cách mạng. Lớn lên mẹ tham gia vào Mặt trận dân tộc giải phóng và công tác trong đội biệt động thành Sài Gòn. Rồi mẹ lập gia đình và sinh được hai người con trai là Phạm Quốc Nam và Phạm Quốc Trung, cả hai người con của mẹ đều sinh ra trong địa đạo. Cuối năm 1967, mẹ nhận được hung tin chồng của mình là liệt sĩ Phạm Văn Tám đã hy sinh, đến tháng 4/1975, mẹ lại thêm muôn phần đau đớn khi cả 2 người con của mình đều hy sinh trong trận đánh cầu Rạch Chiếc. Với ý chí kiên cường bất khuất của mình, mẹ giấu nước mắt để cùng anh em đồng đội hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục cùng tổ chức củng cố và xây dựng lực lượng, phát triển phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang chiến đấu trên các mặt trận để hướng tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đó là cựu chiến binh Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Hội nghĩa tình đồng đội Hà Nội – người nặng lòng với việc đi tìm và quy tập mộ liệt sĩ, đã có hơn 20 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ, nhờ đó mà nhiều liệt sĩ đã được trả lại tên tuổi, được trở về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.
Đó là Cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Tiên Sơn – người đã vượt khó vươn lên làm kinh tế và luôn tích cực đi đầu trong các hoạt động từ thiện cộng đồng…
Tại Hội nghị, người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh: “Xúc động và cảm phục với những tấm gương tiêu biểu của hàng triệu người có công với cách mạng nhưng chúng ta cũng nhận thấy hiện nay công tác chăm sóc người có công, động viên giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống vẫn còn có những hạn chế cần khắc phục. Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công và trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay”.
Được biết, để tri ân những đóng góp của các gia đình thân nhân liệt sĩ, những người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ, hội nghị đã trao 70 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 70 đại biểu người có công. Bộ LĐ-TB&XH cũng quyết định trao tặng 630 bằng khen cho đại biểu người có công trong dịp này.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trân trọng trao bằng khen và quà tặng các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng./.
Nguồn dangcongsan.vn