Đây là câu hỏi của nhiều bậc phụ huynh khi con em của mình hoạt động nhiều hơn bình thường so với những đứa trẻ khác và lo lắng có phải con “tăng động”?

Phân biệt trẻ bị tăng động hay chỉ hiếu động - Ảnh 1.

Bác sĩ cho hay tăng động và hiếu động đều nói về sự hoạt động nhiều hơn bình thường của trẻ nhưng vẫn có sự khác biệt

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương – khoa tâm lý – vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho rằng việc quản lý trẻ tăng động khó hơn rất nhiều so với trẻ bình thường, bởi trẻ luôn trong nguy cơ gặp nguy hiểm liên quan đến các tai nạn như tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông, thương tích do đánh nhau.

Vậy làm sao để phân biệt trẻ tăng động và hiếu động? Bác sĩ Hương cho hay tăng động là một nhóm các triệu chứng hoạt động quá mức, không phù hợp với tình huống và được xem là bất thường, trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

Trong khi hiếu động cũng có sự gia tăng hoạt động nhưng phù hợp hoàn cảnh, được chấp nhận như là một giai đoạn phát triển bình thường của trẻ.

“Trẻ tăng động và hiếu động đều nói về sự hoạt động nhiều hơn bình thường của trẻ, tuy nhiên vẫn có sự khác biệt.

Cụ thể, trẻ tăng động hoạt động nhiều ở các môi trường khác nhau (tại nhà, trong lớp học, những nơi yêu cầu giữ im lặng) và thường kèm theo xung đột, bốc đồng, khó chờ đợi, thiếu kiên nhẫn (hay giành giật đồ chơi, cướp lượt, chọc, đánh bạn…).

Còn trẻ hiếu động tăng hoạt động ở những nơi được cho phép (khu vui chơi, sân trường, phòng riêng). Các bé có thể tuân thủ khi được yêu cầu ngồi im khi bắt đầu vào lớp học, ngồi trên bàn ăn…”, bác sĩ Hương phân tích.

Về nguyên nhân của trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý, bác sĩ Hương cho biết vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng có liên quan đến yếu tố di truyền.

Chẩn đoán trẻ có rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ chính xác hơn với trẻ trên 4 tuổi, khi ở giai đoạn này trẻ đã bộc lộ các hành vi tăng hoạt động khó kiểm soát ở nhiều môi trường khác nhau, trẻ khó tuân thủ các nguyên tắc nói, nói nhiều, khó chờ đợi hay can thiệp vào việc người khác, giành giật đồ chơi…

Ngoài ra, trẻ ít tham gia chơi chung với các bạn vì hay “phá game”, hay tranh giành, khó tuân theo luật, khiến các bạn xa lánh, khó hòa đồng. Song song đó, trẻ tăng động thường có thêm các triệu chứng giảm chú ý khiến việc học tập trở nên khó khăn, thành tích kém.

Để điều trị, bên cạnh các liệu pháp tâm lý hành vi còn cần kết hợp thuốc với hiệu quả dùng thuốc có thể đáp ứng đến 70%.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : điều trịtrẻ hiếu độngtrẻ tăng động

Các tin liên quan đến bài viết