Tiền lương đóng BHXH cho người lao động phải đúng với công việc, chức danh nghề và tiền lương ghi trong hợp đồng lao động đã giao kết
Nguyễn Hữu Hoài (tỉnh Bình Phước) hỏi: “Một số lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại do tuổi cao, sức khỏe giảm sút nên công ty đã bố trí họ sang làm công việc khác ở điều kiện làm việc bình thường với mức lương thấp hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm cho NLĐ có mức lương cao hơn khi nghỉ hưu, công ty muốn tiếp tục đóng BHXH cho họ theo mức lương cũ (bao gồm cả phụ cấp nặng nhọc, độc hại) có được không?”.
Ảnh minh họa
BHXH Việt Nam trả lời: Điều 89 Luật BHXH quy định NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung, thâm niên nghề (nếu có). Đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP và Nghị định 05/2018/NĐ-CP thì tiền lương ghi trong HĐLĐ theo công việc hoặc chức danh trong thang bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng và quyết định. Căn cứ các quy định trên, tiền lương đóng BHXH cho NLĐ phải đúng với công việc, chức danh nghề và tiền lương ghi trong HĐLĐ đã giao kết. Đề nghị công ty anh Hoài thực hiện đúng quy định pháp luật.
Theo Người Lao động