Nhân dịp nghỉ lễ 30-4, có dịp về với nông dân một số vùng của tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, chúng tôi ghi nhận được niềm vui lẫn nỗi băn khoăn của họ trước chiến dịch “giải cứu” heo đang được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành chức năng quyết liệt triển khai.
Nông dân ở Đồng Nai cho biết rất phấn khởi với việc từ điểm bán thịt heo bình ổn giá đầu tiên đặt trước cổng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) của tỉnh này vào ngày 30-4 ,với giá thịt heo bán thấp hơn giá thị trường từ 20% đến 30% và Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai từ ngày 2-5 sẽ thu mua heo hơi với giá 31.500 đồng/kg, các ngành chức năng của Đồng Nai sẽ phối hợp mở thêm 5 điểm tại TP Biên Hòa, sau đó mở rộng ra các huyện.
Vấn đề còn lại ở chỗ trong tổng đàn heo khoảng 1,7 triệu con tại tỉnh Đồng Nai thì chỉ có khoảng 300.000 con đến tuổi xuất chuồng nên số còn phải nuôi tiếp vẫn gặp khó vì giá cám và thức ăn công nghiệp cho heo đang rất cao. Nếu các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi heo nhân cơ hội này chia sẻ một phần lợi nhuận thông qua giá bán sản phẩm thì chắc chắn “thượng đế” của họ sẽ vững tâm vượt khó và còn có thể sẵn sàng tiếp tục nuôi heo.
Ở Bình Phước, nông dân băn khoăn trước việc chương trình mới nhắm sâu vào việc khuyến khích tiêu thụ mà chưa khuyến khích các đầu mối kinh doanh chia sẻ với nông dân thông qua giá mua heo hơi. Trong khi giá thịt heo trên thị trường vẫn cao thì giá heo hơi vẫn quanh quẩn ở mức 25.000 đồng/kg. Giá thịt trên thị trường không giảm thì không khuyến khích được khâu tiêu thụ và giá heo hơi không tăng thì nông dân ôm lỗ nặng. Chưa kể, Bình Phước có đến 240 km đường biên giới với Campuchia thì không ai dám bảo đảm thịt heo từ nước ngoài sẽ không tràn qua biên giới, nguy cơ chương trình phải gánh luôn việc “giải cứu” nông dân, thậm chí cả các đầu mối chăn nuôi lớn của nước ngoài. Vì thế, nông dân Bình Phước mong chính quyền các địa phương kiểm soát chặt tổng số heo đến kỳ xuất chuồng để “giải cứu” thì nông dân mới được hưởng lợi.
Những băn khoăn của nông dân Đồng Nai và Bình Phước là có cơ sở. Chiến lược “giải cứu” vẫn đang ở giai đoạn cao trào. Ngày 30-4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường còn đích thân đến làm việc với Tổ hợp Samsung Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đề nghị tăng cường sử dụng thịt heo cho các bữa ăn. Doanh nghiệp này mỗi ngày cần 160.000 suất ăn, tiêu thụ khoảng 100 con heo loại 50 kg. Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Bắc Ninh hứa hẹn sẽ hỗ trợ nhưng Bắc Ninh có trên 5.000 hộ chăn nuôi và 160.000 con heo đến kỳ xuất chuồng, chưa kể 10 trang trại quy mô 1.000 – 6.000 con và 70 hộ chăn nuôi từ 100 đến 900 con. Nếu không kiểm soát tốt và phối hợp chặt chẽ thì sự hỗ trợ của các doanh nghiệp như Tổ hợp Samsung Bắc Ninh chưa hẳn sẽ đến được nông dân.
Nông dân không hưởng lợi thì là ai? Nếu vẫn mua heo hơi với giá 15.000-25.000 đồng/kg và vẫn bán với giá hiện tại 70.000 – 110.000 đồng/kg thì các khâu trung gian tiếp tục là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất trong chuỗi phân phối thịt heo, cụ thể thu lợi từ 44.000 đến 64.000 đồng/kg.