Khoảng 100.000 tài xế taxi và rickshaw (xe đạp kéo) ở Delhi, Ấn Độ đang theo học các lớp học giới tính bắt buộc để gia hạn bằng lái, một trong những nỗ lực nhằm giảm nạn bạo lực tình dục ở nước này.
Theo báo The Guardian, kể từ sau khi vụ cưỡng hiếp tập thể khiến cô sinh viên Jyoti Singh tử vong gây chấn động dư luận vào năm 2012, những lớp học dạy về “nhạy cảm giới tính” đã được đưa vào như một phần bắt buộc của quy trình gia hạn bằng lái thương mại cho cánh tài xế taxi và rickshaw ở Delhi.
Cuối mỗi khóa học, tài xế được phát một banner ghi “Ngoài lái taxi, tôi còn tham gia chiến dịch chấm dứt bạo lực với phụ nữ”, hay “Tôn trọng và bảo đảm an toàn cho phụ nữ là vinh dự và trách nhiệm của tôi”.
Nỗ lực thay đổi tư duy
Trong một lớp học, thầy giáo Achyuta Dyansamantra đi qua đi lại trước tấm bảng trắng, nói với học viên rằng “Nếu các anh nhìn chằm chằm vào một phụ nữ hơn 14 giây, các anh có khả năng bị bỏ tù. Huýt sáo chọc ghẹo phụ nữ ở nơi công cộng hay dùng lời lẽ quấy rối họ cũng là những việc bị cấm”.
“Dù các anh có đồng ý hay không, luật pháp vẫn là luật pháp”, Achyuta cứng rắn.
Thực tế, lực lượng tài xế rickshaw và taxi chưa phải là một mối đe dọa cụ thể cho phụ nữ vì ở nhiều nơi, các vụ bạo lực tình dục vẫn là do những người quen biết với nạn nhân gây ra.
Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng có nhiều phụ nữ ra ngoài làm việc và sống độc lập hơn, họ đang ngày càng có sự tiếp xúc thường xuyên hơn với giới tài xế, cộng đồng mà nhiều người trong số đó vốn không quen với việc xem trọng phụ nữ độc lập.
Những lớp học này được kỳ vọng sẽ thay đổi được “nền văn hóa gia trưởng” và tư tưởng cổ hủ của nhiều người tại nước này.
“Quần áo là một chuyện gây nhiều tranh cãi”, cô Rutika Sharma, một nhân viên công tác xã hội nói. “Nhiều nam giới cho rằng thời trang mà các cô gái đang mặc không phải là văn hóa Ấn Độ mà chỉ là sính ngoại, và đổ lỗi cho những thứ quần áo đó là tác nhân góp phần kích thích tình trạng quấy rối và tấn công tình dục”.
“Khi gặp những lý lẽ như vậy, chúng tôi kể cho họ nghe về sự gia tăng những trường hợp cưỡng hiếp các bé gái chỉ từ 6 tháng đến 2 tuổi, hay trường hợp cụ già 82 tuổi bị cưỡng hiếp. Những người đó, họ mặc gì mà bị cưỡng hiếp? Đến lúc này thì mấy tay tài xế đó mới nhận ra là do tư duy của mình”, thầy giáo Achyuta Dyansamantra kể.
Ngoài ra, chuyện phụ nữ uống rượu cũng là một đề tài để bàn tán. Nếu một cô gái đi đến Hauz Khas (ngôi làng nổi tiếng về các quán bar và rượu ở Delhi), cô ấy sẽ không được xem là một cô gái tốt.
Lạc quan và hưởng ứng
Trong khi đó, một số tài xế rickshaw đồng tình phải tôn trọng và bảo vệ phụ nữ, nhưng không quên khẳng định có nhiều khách hàng của họ cư xử không đúng mực, không biết cách nói chuyện với người lớn…
Một người còn kể lại câu chuyện “bực mình” của anh ta khi phải chở một cặp đôi nam nữ tinh nghịch, những người dám kéo miếng bạt che trên xe lại và…hôn nhau.
“Những thanh niên nam nữ mà tôi chở thật tinh ranh. Nếu mà họ làm điều đó ở làng tôi, họ đã bị đánh gãy chân rồi”, anh này nói.
Tuy nhiên, cũng có một số tài xế khác, như Mohammad Sajjid, tỏ ra khá lạc quan và hưởng ứng.
“Phụ nữ ở đây được giáo dục tốt, họ tự trả bằng tiền của mình. Thử hỏi không có những người phụ nữ đó, chúng tôi làm sao kiếm tiền. Tôi thấy các lớp học này rất tốt”, Mohammad Sajjid nói về các khách hàng nữ của anh ở Delhi.
Lý luận của Mohammad Sajjid có phần hợp lý, bởi thống kê xã hội cho thấy 70% khách hàng sử dụng các phương tiện đi lại như taxi và rickshaw là phụ nữ.
Anh Swati Maliwal, ủy viên Ủy ban vì phụ nữ của Delhi khẳng định thay đổi tư duy con người khó hơn là thực thi luật pháp, tuy nhiên chuyện đó hoàn toàn có thể.
Anh lấy ví dụ về câu chuyện một người tài xế nói rằng phụ nữ không nên cười khoe răng ở Ấn, và ngay lập tức bị nhiều người tài xế khác chỉ trích vì nói điều vô nghĩa.
Theo The Guardian, một số báo cáo gần đây cũng cho thấy luật pháp Ấn Độ về bảo vệ phụ nữ đã được cải thiện đáng kể trong 5 năm qua.
Ví dụ, từ năm 2013, Ấn Độ đã cấm một phương pháp mà bác sĩ cho hai gón tay vào âm đạo của người phụ nữ để xác định xem người đó còn trinh hay không.
Những hành động như theo dõi, thị dâm, và quấy rối tình dục hiện nay cũng đã được quy định trong luật hình sự Ấn Độ.
Nguồn: tuoitre.vn