Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Yến (ảnh), Trưởng ấp 2, xã Nha Bích (Chơn Thành) – người cán bộ nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, được nhân dân tin yêu. Nhờ thực hiện phương châm đó nên mọi phong trào do Ban điều hành ấp triển khai đều được nhân dân tích cực hưởng ứng.
Tham gia công tác xã hội năm 2004 một cách “tình cờ” khi bà tham dự cuộc thi “Cán bộ phụ nữ giỏi” đạt giải nhất. Thấy được lợi ích thiết thực các tổ chức hội, đoàn thể đem lại cho hội viên và cả cộng đồng, bà Yến được chị em phụ nữ tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ ấp 2.
Là cán bộ năng động, nhiệt huyết nên bà ở đâu là có phong trào ở đấy. Vì vậy, trước thực trạng một số chi hội trong ấp cần phải được củng cố, chi bộ đã chọn bà Yến làm hạt nhân để xây dựng. Năm 2011, bà chuyển sang làm Chi hội trưởng Chữ thập đỏ ấp 2. Chỉ trong thời gian ngắn chi hội từ xếp loại yếu đã vươn lên vững mạnh. Năm 2013, bà làm Phó ấp kiêm Chi hội trưởng nông dân ấp 2. Dù ở vị trí nào, bà cũng là cán bộ cơ sở mẫn cán, tận tụy. Năm 2015, bà Yến được người dân trong ấp tín nhiệm bầu giữ chức trưởng ấp.
Bà Yến cho rằng, làm cán bộ cơ sở muốn được dân tin yêu, dân mến thì phải chịu khó đến vận động từng nhà, tuyên truyền khéo léo, giải thích cái lợi, cái hại cho dân hiểu; phải học tập Bác Hồ nói đi đôi với làm. Muốn dân ủng hộ thì cán bộ phải nêu gương thực hiện đầu tiên. Năm 2004, bà vượt 4km đường gập ghềnh, lầy lội, khó đi để đến một hộ “nổi tiếng” khá giả vận động đóng góp chăm lo tết Thiếu nhi. Tuy nhiên khi đến nơi, chủ nhà đã nói dối mình là người làm thuê để không ủng hộ đóng góp. Bà không nản mà tiếp tục kiên trì vận động tất cả vì người dân. Các chủ trương đều đem lại lợi ích cho cộng đồng nên được người dân trong ấp ủng hộ nhiệt tình.
Năm 2016, để có kinh phí tổ chức các hoạt động (tặng quà thanh niên lên đường nhập ngũ, khuyến học, chăm sóc thiếu nhi, chăm lo hộ nghèo…), sau khi xin ý kiến cấp trên, bà tổ chức họp ấp để triển khai và nhận được sự ủng hộ của người dân với mức đóng góp 130 ngàn đồng/hộ. Quá trình thực hiện thu – chi luôn công khai trong cuộc họp ấp (duy trì định kỳ 3 tháng/lần) và dán văn bản tại nhà văn hóa để người dân kiểm tra, giám sát. Cách làm này đang được xã nhân rộng ra các ấp.
Việc sửa chữa các tuyến đường tổ được chú trọng, trung bình mỗi năm người dân đóng góp 50 triệu đồng. Trước kia, đoạn đầu tuyến đường ấp 1 (đường liên xã đi Minh Hưng) luôn bị ngập úng dài 300m, làm sập cả tường rào nhà dân, có đoạn không đi được. Bà Yến và cán bộ ban ấp xuống tuyên truyền, vận động 22 hộ dân ở khu vực này khơi thông rãnh, san lấp hố. Nhờ vậy, mùa mưa năm nay không còn tình trạng ngập úng.
Phong trào giúp nhau giảm nghèo có nhiều cách làm hay, như chi hội phụ nữ xóa nhà tranh tre đến xóa nền đất, sau đó xóa sân đất… Nhờ vậy, đời sống của người dân trong ấp được nâng lên. Hiện cả ấp có 178 hộ với 826 người thì chỉ có 4 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Hộ dân được công nhận văn hóa đạt 98%, ấp 5 năm liền đạt khu dân cư văn hóa.
Bà Yến còn là tấm gương tiêu biểu trong học tập tại các lớp bồi dưỡng lý luận, nghiệp vụ do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức. Với tinh thần học tập nghiêm túc, cầu thị, bà Yến luôn được tuyên dương, khen thưởng vì đạt điểm giỏi.
“Nếu chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân thì không thể làm cán bộ cơ sở tốt được. Đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn, không thể đánh trống bỏ dùi. Vì lợi ích của người dân, dù khó khăn mấy cũng vượt qua nếu được chính người dân yêu mến, ủng hộ” – bà Yến nói.