Để xây dựng hình ảnh về một Bình Phước năng động và chủ động hội nhập, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các nghị quyết, kế hoạch về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đồng thời, qua công bố bảng xếp hạng chỉ số PCI, kịp thời nắm bắt những bất cập trong quản lý, điều hành và có các giải pháp xử lý. Muốn thu hút được “phượng hoàng” là các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiềm năng, Bình Phước phải trở thành “cây ngô đồng” để “phượng hoàng” đến đậu.

“CÂY NGÔ ĐỒNG” BÌNH PHƯỚC

Phải bắt kịp, nổi trội hơn các địa phương khác 

“Bình Phước cần phải thay đổi cách tiếp cận. Tức là không chỉ nhìn mình so với trước đây mà cần phải so sánh với các tỉnh, thành phố khác và với các tỉnh, thành phố đang chuyển biến nhanh. Mục tiêu của Bình Phước là cần phải bắt kịp, nổi trội hơn các địa phương khác” – ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.

Bình Phước đặt mục tiêu có 100% thủ tục hành chính đạt mức độ 3, 4 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính năm 2021

Dù đã tăng lên 11 bậc so với năm 2019 nhưng kết quả chỉ số PCI năm 2020 của Bình Phước mới chỉ đạt 62.42 điểm, xếp ở nhóm trung bình, cách nhóm dẫn đầu khoảng 12 điểm. Bên cạnh đó, so với các tỉnh trong khu vực, Bình Phước cũng trong nhóm thấp. Cụ thể, Tây Ninh 64.16 điểm, Đồng Nai 64.56 điểm, Bà Rịa – Vũng Tàu 65.48 điểm, Bình Dương 70.16 điểm. Vì vậy, thời gian tới, tỉnh cần phân tích kỹ nguyên nhân, hạn chế dẫn đến việc điểm số ở mức thấp của một số chỉ số thành phần; đồng thời, tham khảo thêm kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố có cải thiện tốt về kết quả xếp hạng PCI để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt trong cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư tại tỉnh.

Theo các chuyên gia, việc đánh giá kỹ hiện trạng, thực tế sẽ là cơ sở để đề ra những chương trình hành động bài bản, hiệu quả. Trong đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu là điều hết sức quan trọng. “Nếu để đánh giá môi trường kinh doanh thuận lợi không phải đánh giá kế hoạch hay văn bản mà vấn đề là thực hiện trên thực tiễn như thế nào? Đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt. Thực thi các chính sách, thực thi các cải cách hay nói cách khác là người dân và doanh nghiệp có được thụ hưởng hay không? Do đó, ưu tiên của tỉnh trong thời gian tới là phải tăng cường chất lượng thực thi và giám sát chất lượng thực thi đấy” – ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

Nhiều dư địa để phát triển

Dù đã có nhiều cải cách về thủ tục hành chính để cải thiện chi phí thời gian và chi phí không chính thức nhưng 2 chỉ tiêu này trên bảng xếp hạng PCI của Bình Phước vẫn còn rất nhiều “không gian” để tăng điểm. Mục tiêu đến 19-5-2021, Bình Phước sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 4 đối với các loại thủ tục có đủ điều kiện; 100% dịch vụ công trực tuyến tích hợp, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn, không có hồ sơ trễ hạn và 100% thủ tục hành chính đang tồn đọng kéo dài phải được giải quyết. Đây là quyết tâm rất lớn của Bình Phước trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công nhằm giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính, giảm tiêu cực, phiền hà, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, cơ chế, chính sách, tập trung vào việc phát triển các thế mạnh của tỉnh. Theo ông Nguyễn Quang Thuận, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cao su, điều đang rất cần những chủ trương hỗ trợ đầu tư tốt để phát triển. “Đối với từng dự án cụ thể nếu tỉnh có hỗ trợ từ khâu chuẩn bị thủ tục kêu gọi đầu tư đến khâu hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án thì chúng tôi sẽ làm cầu nối kêu gọi nhà đầu tư làm các sản phẩm cao su để nâng cao giá trị xuất khẩu và ổn định nguồn thu bền vững của tỉnh. Làm được như vậy, chúng tôi sẽ rất hoan nghênh” – ông Thuận nói.

“Tới đây, Trung tâm Phục vụ hành chính công sẽ thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với thủ tục đất đai ở cả 3 cấp. Đây là việc rất có ý nghĩa để giảm bớt thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục về đất đai – lĩnh vực đang rất nóng ở Bình Phước thời gian qua”.
Ông Bùi Gia Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Cải thiện chỉ số PCI sẽ còn là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận, đánh giá tích cực hơn về những nỗ lực của tỉnh. Từ đó, cải thiện chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Ngày 20-4-2021, UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định phê duyệt Đề án Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2025 (DCCI). Trong đó, cấp huyện, thị xã, thành phố có 9 chỉ số thành phần và cấp sở, ban, ngành, văn phòng UBND tỉnh có 8 chỉ số thành phần. Vai trò người đứng đầu là một trong các chỉ số thành phần quan trọng trong bộ chỉ số này. Người đứng đầu các cấp, ngành, đặc biệt là các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản, rõ nét về tư duy, nhận thức, quan điểm chỉ đạo và triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở cơ quan, đơn vị; quán triệt cho công chức, viên chức thuộc quyền về tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : cải cách hành chínhchỉ số cạnh tranhchỉ số hài lòngPCI

Các tin liên quan đến bài viết