Việc chuyển đổi sang sử dụng xe chạy điện, thân thiện môi trường là xu thế tất yếu, được khuyến khích tại nhiều quốc gia. Do đó, VN cần sớm có chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư sản xuất ôtô điện.
Nhiều chuyên gia đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chiến lược phát triển ngành sản xuất ôtô điện VN. Bởi nếu chính sách không tốt và chậm được ban hành, xe điện chất lượng thấp sẽ tràn vào VN và hủy hoại ngành công nghiệp xe điện nội địa. Bài học về thị trường xe đạp, xe máy điện những năm qua là một ví dụ.
Do buông lỏng cho xe đạp và xe máy điện chất lượng thấp tràn ngập thị trường, người tiêu dùng đã quay lưng với sản phẩm này, trở lại sử dụng xe máy chạy xăng.
Thiếu chính sách hỗ trợ, khó phát triển
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – cán bộ Viện cơ khí động học (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) – cho rằng VN không chỉ phát triển thị trường ôtô điện mà cần phát triển cả ngành sản xuất xe điện, nói cách khác là phát triển ngành công nghiệp ôtô điện nội địa.
Theo ông Phúc, VN có lợi thế khi phát triển sản xuất ôtô điện so với một số nước trong khu vực vì không quá lệ thuộc vào các dây chuyền sản xuất ôtô động cơ đốt trong.
Chẳng hạn tại Thái Lan, khi chuyển sang sản xuất ôtô điện, toàn bộ hệ thống nhà cung cấp, sản xuất phụ tùng ôtô động cơ đốt trong bị đứt gãy.
Trong khi đó, VN bắt tay vào sản xuất xe điện trong thế không có gì để mất. Do đó, VN cần tận dụng cơ hội này, ban hành các chính sách khuyến khích DN nội địa đầu tư.
“Ngành sản xuất ôtô điện hiện nay không phải chỉ cạnh tranh giữa các hãng sản xuất mà là giữa các quốc gia. Quốc gia nào có chính sách tốt thì ngành công nghiệp sản xuất ôtô điện sẽ phát triển và ngược lại”, ông Phúc khẳng định.
Theo ông Dương Đình Giám, nguyên viện trưởng Viện Chính sách công nghiệp, cái khó nhất của ngành sản xuất ôtô điện trong nước hiện nay là một chính sách hỗ trợ phù hợp chứ không phải công nghệ, trong khi các nhà sản xuất vẫn đang chờ chính sách để quyết định đầu tư.
“Công nghệ xe điện đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, DN trong nước hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, ít nhất với xe vận tải hành khách tuyến ngắn như xe buýt điện trong thành phố. Vì vậy, cần có sự thay đổi trong chính sách” – ông Giám nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thời điểm vàng để VN chuyển đổi từ chính sách phát triển công nghiệp ôtô sang chính sách phát triển công nghiệp ôtô điện.
“Ngành công nghiệp sản xuất ôtô điện thế giới vẫn còn khá non trẻ, nhiều hãng đang tìm địa điểm, nơi để đầu tư tin cậy. Do đó, VN cần tận dụng lợi thế, điều kiện thuận lợi này để đạt đến mặt bằng công nghệ sản xuất ôtô điện thế giới”, một chuyên gia khuyến cáo.
Với đề nghị không thu lệ phí trước bạ ôtô điện, Chính phủ sẽ xem xét và phê duyệt. Nhưng với thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ phải sửa luật và thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Ông Trương Bá Tuấn (phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính)
Sản phẩm được khuyến khích, cần ưu đãi
Liên quan tới kiến nghị đưa ôtô điện vào danh mục đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và không thu lệ phí trước bạ của Tập đoàn Vingroup – nhà sản xuất ôtô điện VinFast, ông Giám cho rằng thuế TTĐB để đánh vào những mặt hàng tiêu dùng không khuyến khích.
Trong khi đó, VN đang khuyến khích công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, nên việc miễn thuế và lệ phí trước bạ với sản phẩm ôtô điện là phù hợp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Bá Tuấn, phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết hơn 10 năm trước bộ này nghiên cứu và trình Chính phủ để trình Quốc hội chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng ôtô chạy bằng năng lượng sinh học, điện.
Theo Luật thuế TTĐB năm 2008, mức thuế TTĐB áp dụng với ôtô điện thấp hơn xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Cụ thể, tùy theo số chỗ ngồi, mức thuế TTĐB đối với ôtô điện hiện nay là từ 10 – 25%, trong khi xe chạy bằng xăng, dầu thì có thuế 30 – 60% tùy theo dung tích xilanh. Từ năm 2016, thuế suất thuế TTĐB đối với xe điện được giảm mạnh, chỉ còn 5 – 15%.
Ngược lại, thuế TTĐB với xe con chạy bằng xăng, dầu lại tăng lên, như ôtô từ 9 chỗ trở xuống áp dụng mức thuế là 35 – 150% tùy theo dung tích xilanh.
“Khoảng cách về mức thuế áp dụng cho xe chạy xăng, dầu ngày càng được nới rộng so với xe sử dụng điện nhằm khuyến khích thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng các dòng ôtô điện thân thiện với môi trường”, ông Tuấn thông tin.
Ngoài ra, từ năm 2020, Chính phủ cũng đã bổ sung ôtô điện, ôtô sử dụng pin nhiên liệu, xe hybrid… vào đối tượng được tham gia chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu, với mức thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện trong nước chưa sản xuất được.
Cũng theo ông Tuấn, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, đánh giá về đề xuất thí điểm chính sách ưu đãi thuế và lệ phí trước bạ với các dòng ôtô điện thân thiện với môi trường, trước khi tham vấn ý kiến của các bộ Công thương, Tài nguyên và môi trường… rồi tổng hợp và có báo cáo trình Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
“Với đề nghị không thu lệ phí trước bạ ôtô điện, Chính phủ sẽ xem xét và phê duyệt. Nhưng với thuế TTĐB, sẽ phải sửa luật và thuộc thẩm quyền của Quốc hội” – ông Tuấn cho biết thêm.
* PGS.TS Đàm Hoàng Phúc (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội):
Cần chính sách tổng lực cho phát triển ôtô điện
Để hình thành ngành sản xuất ôtô điện, cần một chính sách tổng lực với 3 hướng: hỗ trợ nghiên cứu phát triển ôtô điện, hỗ trợ các DN tham gia sản xuất và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ ôtô điện.
Đặc biệt, cần có những ưu đãi thuế, phí đủ mạnh, chính sách kích cầu tiêu dùng để phát triển thị trường. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về vốn, đất đai cho các DN sản xuất ôtô điện.
* Ông Bùi Danh Liên (phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)
Nên khuyến khích sử dụng ôtô điện
Việc chuyển đổi sang xe chạy điện, thân thiện môi trường là xu thế hiện nay nhưng cần một lộ trình ưu đãi phù hợp, hạn chế gây khó khăn cho các DN sản xuất ôtô truyền thống.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, DN chuyển đổi từ sử dụng xe chạy bằng xăng dầu sang sử dụng ôtô điện.
Nhiều nước miễn thuế, phí cho sản xuất và sử dụng ôtô điện
Việc đầu tư hệ thống các trạm sạc cũng là một trong những thách thức lớn với các nhà phát triển ôtô điện
Để thúc đẩy phát triển và sớm hình thành ngành sản xuất ôtô điện, nhiều quốc gia phát triển như Trung Quốc, Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Canada… đã đưa ra các chính sách ưu đãi đột phá, vượt trội. Chẳng hạn, Trung Quốc áp dụng chính sách giảm 50 – 100% phí đăng ký sử dụng xe điện, giảm thuế cho nhà sản xuất xe điện, người dùng xe điện được hỗ trợ hoặc miễn phí sạc pin.
Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra một loạt trợ cấp với người mua xe điện như giảm giá toàn quốc 55.000 NDT (17.000 USD), giảm 30.000 NDT/xe PHEV (xe kết hợp động cơ điện và động cơ đốt trong), chưa kể chính quyền các địa phương cũng hỗ trợ thêm cho người mua ôtô điện khoảng 55.000 NDT/xe.
Trung Quốc cũng áp dụng chính sách trợ cấp cho nhà sản xuất xe điện từ 3.500 – 6.400 euro/xe, trợ cấp 30% chi phí xây dựng trạm sạc. Người sử dụng xe điện được miễn phí đi cao tốc, chỗ đỗ xe…
Tương tự, Chính phủ Mỹ áp dụng chính sách trợ cấp người dùng 7.500 USD/ôtô điện (BEV), 5.000 USD/xe PHEV; một số bang có thêm chính sách trợ cấp thêm khoảng 2.500 USD cho người mua ôtô điện.
Chính phủ Đức cũng trợ cấp cho người mua khoảng 4.000 euro/BEVvà 3.000 euro/PHEV, chưa kể quỹ chi cho giảm giá xe điện và xây dựng trạm sạc lên tới 1 tỉ euro.
Đan Mạch giảm 80% thuế, Tây Ban Nha miễn 75% thuế mua bán xe điện, Nhật Bản miễn các loại thuế liên quan đến mua và sở hữu xe điện. Na Uy miễn thuế mua bán, nhập khẩu, thuế VAT, thuế nhiên liệu, thuế lưu thông xe điện.
Một số nước đã lên kế hoạch hạn chế, cấm sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Anh dự kiến sẽ cấm các nhà sản xuất bán xe chạy xăng từ năm 2030 và cấm bán các xe hybrid (xăng điện) vào năm 2035. Bang California (Mỹ) cũng tuyên bố cấm xe chạy xăng từ năm 2035…
Nguồn: tuoitre.vn