Ông Donald Trump trong lần đối mặt truyền thông ở South Carolina |
Ngày 24-2, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã “cấm cửa” các nhà báo của New York Times (NYT), CNN, Politico và một số báo đài khác khỏi phiên họp báo đặc biệt tại Nhà Trắng. Các cơ quan báo chí khác vẫn được mời. Động thái này đã làm dấy lên những chỉ trích cho rằng Tổng thống Trump đang kiểm soát tự do báo chí. Nhưng ở góc độ khác, có thể thấy đây là bước đi cụ thể của việc ông Trump gọi truyền thông là “kẻ thù của người dân Mỹ”.
Quý vị nhầm hoàn toàn nếu nghĩ họ (truyền thông) chịu đàng hoàng trả lại nước Mỹ mà không cần đấu đá. Mỗi ngày sẽ là một trận chiến |
Ông Stephen Bannon (chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump) |
Lạ lùng thay, cuộc chiến này lại khiến ông Trump rất thích thú. Dù trong lịch sử nước Mỹ, không ít tổng thống đã phải trả giá khi đối đầu với truyền thông.Không có gì là khó hiểu khi hầu hết các tổng thống Mỹ trong vòng 100 năm qua đều xung đột với truyền thông. Dường như đó là phản ứng tự nhiên của phần lớn các tổng thống cảm thấy bị truyền thông đối xử bất công. Tổng thống Richard Nixon và Lyndon Johnson là điển hình cho mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” với truyền thông. Ông Nixon ghét báo chí đến độ đã yêu cầu phó tổng thống Spiro Agnew công khai tấn công truyền thông. Ông Agnew đã có câu nói để đời khi mô tả truyền thông là “những kẻ lắm tiền cứ lèm bèm toàn chuyện tiêu cực”.Cuốn sách Đầu độc báo chí của Mark Feldstein viết rằng tổng thống Nixon đã chỉ đạo cấp dưới thân cận chọn ra 20 nhà báo sừng sỏ nhất ở Washington, công bố những thông tin bất lợi về họ và “thẳng tay tiêu diệt hết những kẻ vô lại này”. Trong cuốn Tổng thống và báo chí, tác giả Kathleen Turner cho rằng chính việc tổng thống Johnson không chiếm được cảm tình của truyền thông là nguyên nhân khiến ông bị hạ bệ. Tương tự, tổng thống Nixon cũng phải từ chức trong sự bẽ bàng sau khi bị phanh phui vụ Watergate.
Những tấm gương mẫu mực
Có lẽ tổng thống John F. Kennedy và Ronald Reagan là hai người duy trì được mối quan hệ tốt đẹp nhất với truyền thông mặc dù ai cũng có những vấn đề riêng của mình. Cả hai ông đều có những cách khác nhau để “hấp dẫn” và “chiều chuộng” báo chí khiến việc đưa tin về chính quyền đạt hiệu quả nhất. Cả hai ông đều có cách hành xử của những quý ông. Tổng thống Reagan, với vốn kinh nghiệm và kỹ năng của một diễn viên, đã khiến ông được biết đến như là “một nhà truyền thông tuyệt vời”. Giới chính trị Mỹ có lẽ sẽ không bao giờ còn thấy một tính cách như Kennedy hay Reagan nữa. |
Nguồn: tuoitre.vn