Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kể lại thời điểm ông phát động cuộc không kích vào Syria khi đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2017 và dường như ông đã gửi thông điệp tới Bắc Kinh thông qua vụ tấn công này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters)
Vào tối ngày 6/4/2017, theo giờ Mỹ, các tàu chiến của Mỹ đã thực hiện cuộc không kích nhằm vào căn cứ không quân Shayrat tại Syria theo lệnh của Tổng thống Donald Trump. Hai tàu khu trục của Mỹ ở Địa Trung Hải đã phóng tổng cộng 58 tên lửa Tomahawk vào địa điểm này động thái nhằm đáp trả cáo buộc chính quyền Tổng thống Bashar al Assad tấn công bằng vũ khí hóa học làm ít nhất 80 người thiệt mạng.
Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 12/6, Tổng thống Trump đã nhớ lại vụ tấn công, vốn diễn ra khi ông đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida trong khuôn khổ chuyến công du của ông Tập tới Mỹ.
“Tôi nói với ông ấy rằng chúng tôi vừa bắn 58 tên lửa tới Syria nhằm tấn công vào một mục tiêu. Mỗi quả tên lửa được bắn từ khoảng cách 700 dặm (1.126 km) từ các tàu chiến trên biển. 58 quả tên lửa, 58 lần bắn”, ông Trump kể lại.
Ông Trump nói: “Tôi nói với ông Tập rằng ông có thể đi hoặc (ở lại) thì chúng ta sẽ trở thành bạn tốt. Ông ấy đã không đi. Ông ấy đã hiểu. Ông ấy đã thật sự hiểu”, ông Trump nói.
Vào thời điểm đó, Charles Duelfer, nguyên phó chủ tịch cơ quan giám sát vũ khí của Liên Hợp Quốc, cho rằng cuộc tấn công là thông điệp ngầm gửi đến nhiều bên khác nhau, trong đó có Trung Quốc.
Chuyên gia này nhận định, với Trung Quốc và Triều Tiên, cuộc tấn công là thông điệp rằng chính quyền của ông Trump sẽ “nói là làm”, sẽ không để Bình Nhưỡng đe dọa đến an ninh của Mỹ.
Ông David Dollar, chuyên gia cấp cao tại Viện Brookings nhận định: “Họ (Mỹ) không do dự tiến hành vụ tấn công khi ông Trump dùng tiệc cùng ông Tập. Rõ ràng cuộc tấn công là một cách để Mỹ gửi thông điệp đến ông Tập Cận Bình. Nó có thể khiến Trung Quốc tính đến việc Mỹ có thể làm gì tương tự với Triều Tiên”.
Tuy nhiên, các ý kiến trên chỉ dừng ở mức nhận định và và không có bằng chứng cụ thể để xác nhận đó có phải là suy tính của Tổng thống Mỹ hay không.
Mặt khác, trong hơn 1 năm qua, dưới sự thúc giục của chính quyền ông Trump và Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã liên tiếp áp dụng các lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nhằm cắt nguồn ngoại tệ và khiến Bình Nhưỡng rơi vào khủng hoảng năng lượng. Giới chuyên gia cho rằng đây cũng được cho là 1 nguyên nhân dường như khiến Triều Tiên thay đổi đường hướng ngoại giao và mong muốn cải cách kinh tế. Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi cuối tháng 4, và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua dường như là bằng chứng cho sự thay đổi lịch sử của Bình Nhưỡng.
Theo Dân Trí