Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump |
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố ông có thể dùng chính sách “một Trung Quốc” để mặc cả với Bắc Kinh về thương mại và các vấn đề khác. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số “quân bài” ông Trump có thể dùng sắp tới, theo phân tích của báo South China Morning Post.
Lần chạm trán mới nhất giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông là vụ Hải quân Trung Quốc tịch thu một tàu lặn không người lái của Mỹ ở vùng biển quốc tế phía tây bắc Vịnh Subic của Philippines hôm 15-1-2016. Ông Trump cáo buộc Trung Quốc “ăn cắp”, trong khi Bắc Kinh nói họ hành động đúng. Vụ việc kết thúc sau 5 ngày nhưng sự yên tĩnh ở Biển Đông hiện nay chỉ là tạm thời. Sau ngày 20-1 (khi ông Trump chính thức nhậm chức), mọi thứ có thể sẽ khác. Học giả Trung Quốc Shi Yinhong nhận định Bắc Kinh và Washington có những động cơ xung đột trong khu vực. Lợi ích cốt lõi của Mỹ là duy trì vị thế bá chủ hàng hải trên khắp thế giới, còn Trung Quốc cần Biển Đông như một không gian chiến lược.
“Cuộc cạnh tranh chỉ mới bắt đầu. Nhưng Biển Đông sẽ chưa trở thành chiến địa, ít nhất là trong 2-3 năm tới” |
Học giả Trung Quốc Shi Yinhong |
Ông Trump có trong tay nhiều phương tiện để gây áp lực với Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Marco Rubio từng kêu gọi cấm vận các cá nhân và tổ chức hỗ trợ chính quyền Trung Quốc xây dựng các cơ sở và đảo nhân tạo ở Biển Đông và Hoa Đông. Khả năng Mỹ tăng cường chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải là gần như chắc chắn. Đáp lại, Bắc Kinh có thể vạch ra một số “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ, chẳng như như cấm Nhật – quốc gia ngoài khu vực – tham gia tuần tra chung.