Hơn 8 tháng qua, những ngư dân nghèo ở phường Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã cưu mang, đùm bọc một du khách Nga sống lang thang trên làng chài Hàm Tiến (Mũi Né).

“Ông Tây cô đơn” và tai nạn xe máy bất ngờ

Xung quanh câu chuyện các ngư dân nghèo gom góp “của ít lòng nhiều” để nuôi một người Tây xa lạ không phải đồng bào ruột thịt của mình đã khiến cộng đồng mạng xúc động và ca ngợi không hết lời…

Sáng 9/9, từ thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi tìm đến khu vực du khách Nga đang được ngư dân làng chài cưu mang. Vừa dừng xe hỏi thăm “ông Tây cô đơn”, nhiều bà con ở KP 4 phường Hàm Tiến đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến nơi.

Người dân ở đây cho biết biệt danh “ông Tây cô đơn” do bà con đặt vì thấy ông sống cô đơn một mình nên bà con xung quanh ai cũng thương.

“Ông Tây cô đơn” được cưu mang trong vòng tay ngư dân nghèo Mũi Né - Ảnh 1.

Ông Andrey trước căn chòi thấp bên bờ biển. (Ảnh: Bùi Phụ)

Trên bờ biển Hàm Tiến, đập vào mắt chúng tôi là một căn chòi rách nát, thấp tè được che và quay quanh bằng những tấm tôn, bạc cũ chấp nối. Mỗi khi có gió lớn tạt từ biển vào căn chòi cứ run lên…

Trước căn chòi một người đàn ông nước ngoài tuổi gần 70 gầy ốm có ánh mắt buồn nhìn xa xăm ra biển lớn. Trong căn chòi có một có một cái giường bố cũ kỹ, một số đồ ăn nước uống dường như ai đó vừa mang lại. Một con chó ky, một con mèo đang quấn quýt nằm dưới chân chủ nhân của nó là ông Tây gầy ốm…

Do bất đồng ngôn ngữ, phải hơn 10 phút sau khi vợ chồng anh Võ Văn Đô và chị Từ Thị Kim Hoa bỏ dở công việc vá lưới ngoài bờ biển chạy lên làm “thông dịch viên” tiếng Nga bất đắc dĩ chúng tôi mới hiểu một phần nào về “ông Tây cô đơn”.

“Ông Tây cô đơn” được cưu mang trong vòng tay ngư dân nghèo Mũi Né - Ảnh 2.

Ông Andrey và anh Đô đang trao đổi bằng ngôn ngữ riêng. Ảnh: Bùi Phụ

Theo lời anh Đô, người đàn ông này tên là Andrey Anatolevich (Quốc tịch Nga) là kỹ sư địa chất về hưu. Cuối năm 2019, ông Andrey từ Nga bay sang Việt Nam du lịch và chọn Mũi Né làm nơi lưu trú nhiều ngày rồi sẽ trở về nước. Trước đó nữa ông Andrey cũng vài lần đến Mũi Né du lịch và ông rất thích vùng biển đẹp này.

“Thời gian đầu, sức khỏe ông Andrey rất yếu, người còn da bọc xương, đi lại khó khăn nên hàng ngày tôi nấu cháo cho ổng ăn. Bà con ngư dân nghèo xung quanh hay chuyện, mỗi người đóng một ít cùng nuôi ông Andrey”, chị Hoa, vợ anh Đô.

Chuyện không vui khi đầu năm 2020, ông Andrey chuẩn bị về nước thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các chuyến bay quốc tế bị hủy nên ông bị kẹt lại cho đến hôm nay.

Ban đầu ông lưu trú trong một khách sạn nhỏ ở Mũi Né định sống tạm chờ qua dịch nhưng không may cho ông Andrey, khoảng tháng 3/2020, trong lần ông thuê xe máy đi vòng quanh Mũi Né bị ngã xe rồi được bà con đưa vào bệnh viện cấp cứu…

Hậu quả ông Andrey bị vỡ xương chậu và gãy cánh tay trái buộc ông phải nằm viện dài ngày để phẫu thuật… Sau tai nạn này, nguồn tiền cạn kiệt, nên ông ra ngoài sống lang thang cho đến hôm nay.

Theo lời anh Đô, cách đấy mấy tháng, trong một buổi chiều đi biển về, vợ chồng anh phát hiện ông Andrey đang nằm trước căn chòi nhỏ của vợ chồng anh. Căn chòi này anh Đô và những ngư dân khác dựng tạm để chứa dụng cụ và đồ nghề đi biển chứ không phải để ở.

Qua thứ “ngôn ngữ cơ thể” đặc biệt, vợ chồng anh Đô phần nào hiểu được câu chuyện nên mời ông về nhà mình nghỉ nhưng ông Andrey nhất quyết không chịu vì sợ làm phiền nên ông xin anh Đô cho tá túc trong căn chòi này.

“Ông Tây cô đơn” được cưu mang trong vòng tay ngư dân nghèo Mũi Né - Ảnh 3.

Mỗi khi có ai đến thăm và tặng quà, ông Andrey ghi chép thông tin người tặng cẩn thận vào cuốn sổ tay nhỏ ông luôn giữ bên mình. (Ảnh: Bùi Phụ)

Cuốn sổ “ghi đời” của ông Andrey

Trong số những “mạnh thường quân”, góp phần chăm sóc sức khỏe ông Andrey có chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận (48 tuổi). Hôm chúng tôi đến thăm, khoảng vài phút sau chị Thuận cùng người em trai cũng xuất hiện mang theo 5 cây xúc xích, 2 ổ bánh mì và thùng nước suối 5 lít. Sau đó chị Thuận và người em lấy cồn sát trùng và thuốc trị vết thương ngoài da ra rửa vết thương móng tay ông Andrey. Chị Thuận cho biết, khi mới về tá túc trong căn chòi này, tóc ông ý dài lắm.

“Sau khi ổng tắm rửa sạch sẽ bằng xà bông, tôi hớt tóc cho ổng. Đặc biệt là 10 ngón tay chân, móng nào cũng bị nhiễm trùng nặng. Hàng tuần tôi đều ghé chăm sóc cho ổng. Đến nay vết thương đã lành và hiện chỉ còn 1 ngón chưa lành hẳn…”, chị Thuận chia sẻ.

Sau khi nhận quà từ tay chị Thuận, ông Andrey không ngớt lời cảm ơn rồi lấy cuốn sổ nhỏ và bút ra ghi những dòng tiếng Nga vào.

Vợ chồng anh Đô giải thích: “Ai đến cho quà ổng đều ghi vào cuốn sổ này. Nhiều lần tôi hỏi ghi làm gì ổng trả lời ghi để mai mốt khỏe mạnh rồi cám ơn người tặng. Vợ chồng tôi thấy ổng trân trọng tất cả những việc lớn nhỏ này nên thương ổng như người nhà”.

“Ông Tây cô đơn” được cưu mang trong vòng tay ngư dân nghèo Mũi Né - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Thuận những ngày đầu chăm sóc ông Andrey. (Ảnh: Mỹ Thuận)

Anh Đô nói thêm: Ban đầu vợ chồng anh chỉ giao tiếp bằng chân tay, nhưng từ ngày đón ông Andrey về, anh học “lõm bõm” thêm được vài tiếng Nga nên cũng hiểu phần nào và giúp ổng tốt hơn trong cuộc sống.

Thậm chí, hôm 8/9, ông Andrey đã tin tưởng giao mật khẩu và thẻ bảo hiểm của ông cho anh Đô ngân hàng Quốc tế đóng tại Mũi Né rút số tiền lương hưu khoảng 6 triệu đồng/tháng bên nước Nga chuyển vào tài khoản cho ông. Anh Đô đã đưa hết số tiền này cho ông Andrey và hàng ngày ông cần gì, vợ chồng anh sẽ đi mua giùm…

Câu chuyện những ngư dân nghèo ở làng chài Hàm Tiến cưu mang, nuôi dưỡng một người xa lạ, không phải đồng bào ruột thịt của mình suốt những tháng dài đã khiến cộng đồng mạng xúc động, ca ngợi không hết lời…

Chủ của một khu du lịch (resort) 4 sao Mũi Né hay chuyện đến tận căn chòi rách nát ngỏ lời mời ông về ở miễn phí suốt thời gian lưu trú cho đến khi hết dịch Covit-19 và việc đi lại trong và ngoài nước bình thường nhưng ông Andrey đã từ chối.

Ông Andrey tâm sự, những ngày tháng ông ở trong căn chòi này và được nhìn thấy biển là quảng thời gian hạnh phúc nhất đời ông. Đặc biệt, ông không nỡ xa những người bạn ngư dân nghèo nhưng giàu lòng tốt đã nhiều ngày qua chăm sóc ông và trong đó vợ chồng anh Đô.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi nếu có người giúp ông tài chính để đưa ông về lại nước Nga ông có đồng ý không? Thông qua “ngôn ngữ tay chân” giữa anh Đô thì ánh mắt ông Andrey đượm buồn. Lặng thing nhìn biển một hồi, thông qua anh Đô, ông Andrey nói: “Tôi chưa muốn về lúc này vì tôi còn rất yêu vùng biển và con người nơi đây. Tôi chưa trả được ơn họ cưu mang mình nên tôi không nỡ ra đi…”.

Theo Dân Trí

Từ khóa : bệnh viện cấp cứudu khách ngangư dân nghèosống lang thangtai nạn xe máytỉnh Bình Thuận

Các tin liên quan đến bài viết