Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh chỉ có dựa vào lý tưởng cộng sản và cải tổ kinh tế mới có thể đưa con thuyền Trung Quốc vượt qua sóng dữ để tiến về phía trước.

Ông Tập: Trung Quốc đang đứng trước bão lớn - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa kinh tế Trung Quốc

Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Trung Quốc mở cửa kinh tế, Chủ tịch Tập đã không liệt kê ra những thách thức với nền kinh tế số hai thế giới, cũng như tránh đụng tới cuộc thương chiến nhạy cảm với Mỹ.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã dành một tiếng rưỡi để nói về những thành tựu đã đạt được trong cuộc cải tổ do cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng.

Theo ông Tập, bài học số 1 trong 40 năm mở cửa thành công là Trung Quốc phải được đặt dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng Cộng sản.

“Mỗi bước đi trong tiến trình cải cách và mở cửa sẽ không hề dễ dàng. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ lẫn thách thức, với những cơn sóng dữ và những trận bão khủng khiếp. Chỉ có cải thiện vai trò lãnh đạo của Đảng và khả năng quản trị, chúng ta mới có thể đưa con tàu cải cách và mở cửa tiến về trước” – chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.

Trung Quốc đang trong một giai đoạn khó khăn, giới quan sát nhận định. Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã khiến ít nhiều hình ảnh ông Tập trong việc quản lý các vấn đề kinh tế bị lung lay, báo New York Times bình luận.

Trong một chỉ đạo đường hướng phát triển được gửi cho các địa phương ngày 12-12, Chính phủ Trung Quốc đã loại ra khỏi văn bản các cụm từ liên quan đến chiến lược Made in China 2025.

Kể từ khi được triển khai năm 2015, chiến lược với tham vọng biến Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ này đã liên tục được nhắc đến trong các văn bản chính thức và các tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc.

Cùng với “Vành đai và con đường” – sáng kiến mà mọi con đường đều dẫn về Trung Quốc, “Made in China 2025” được xem là cách Bắc Kinh hiện thực hóa Trung Hoa mộng. Giờ đây giấc mộng đó đang đứng trước sự thách thức từ Mỹ.

Ông Tập: Trung Quốc đang đứng trước bão lớn - Ảnh 2.

Trung Quốc sẽ còn mất một thời gian dài để tự chủ về công nghệ

Washington và Bắc Kinh đã đồng ý “đình chiến” thương mại trong vòng 90 ngày. Cho đến thời điểm hiện tại, cuộc thương chiến mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cho thấy đã không còn đơn giản là một cuộc chiến tìm kiếm hợp đồng hay đem việc làm trở về nước Mỹ.

Báo chí phương Tây dẫn các nguồn thạo tin cho biết một chiến lược ôn hòa hơn, mở cửa hơn với doanh nghiệp nước ngoài đang được Bắc Kinh soạn thảo để thay thế “Made in China 2025”.

Washington từ lâu luôn chỉ trích chính sách thương mại “không theo luật chung” của Bắc Kinh, trong đó có các điều khoản buộc công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn ở Trung Quốc.

“Mở cửa mang lại tiến bộ, ngược lại chỉ có lạc hậu” – ông Tập nhấn mạnh trước đại diện các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc ngày 18-12.

“Với những cái phải thay đổi và có thể thay đổi, chúng ta sẽ thay đổi; nhưng với những cái không nên thay đổi và không thể thay đổi, chúng ta kiên quyết đi theo” – Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố.

Một nhà ngoại giao Việt Nam đã từng nhận xét thương chiến Mỹ – Trung là một trong năm “cuộc đại chiến” mà ông Trump phát động để định vị lại nước Mỹ và thế giới.

Nhà ngoại giao này cho rằng mục đích cuối cùng của ông Trump là đánh vào chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa của Trung Quốc, chặn việc tiếp cận công nghệ cao để đi tắt đón đầu và buộc Bắc Kinh phải mở cửa thị trường, thay đổi cơ cấu kinh tế theo ý đồ của Mỹ.

Ông Tập: Trung Quốc đang đứng trước bão lớn - Ảnh 3.

Quang cảnh lễ kỷ niệm sáng 18-12 ở Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh 

“Trung Quốc sẽ không bao giờ phát triển dựa trên cái giá là sự đánh đổi lợi ích của các quốc gia khác nhưng cũng sẽ không từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của nó. Sự phát triển của Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa cho bất kỳ nước nào. Cho dù Trung Quốc có phát triển đến đâu, cũng sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền” – Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Lời phát biểu của ông Tập phảng phất những ý tứ khiến người ta chợt nhớ lại bài phát biểu của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình trên đất Mỹ năm 1974. “Trung Quốc không phải là một siêu cường và sẽ không cố gắng trở thành siêu cường”, bởi theo ông Đặng, “siêu cường là quốc gia theo chủ nghĩa đế quốc và tìm kiếm bá quyền trên thế giới”.

Một số nhà phân tích tỏ ra thất vọng vì bài phát biểu của ông Tập, theo Hãng tin Reuters, vì cho rằng nó chẳng khác gì bài phát biểu của ông trong cuộc họp Bộ Chính trị cách đây vài ngày.

Cam kết mở cửa và cải cách của Chủ tịch Trung Quốc không đủ sức nặng để trấn an các nhà đầu tư. Các chỉ số quan trọng tại sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến đã rớt điểm ngay sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc, phản ánh sự thất vọng của giới đầu tư khi ông Tập không tuyên bố bất kỳ chính sách thương mại mới nào.

Sự chú ý nên dành cho Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc vào cuối tuần này.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cải cáchchủ tịch Tập Cận Bìnhtrung quoc

Các tin liên quan đến bài viết