Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần 3 (BRF 3) đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận thế giới.
Là khách mời danh dự của Trung Quốc, Tổng thống Nga Putin đã cùng hơn 4.000 đại biểu, bao gồm cả các nguyên thủ, từ hơn 140 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế đến Bắc Kinh dự diễn đàn BRF 3 trong hai ngày 17 – 18/10. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Putin tới một nước lớn trên thế giới kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tại cuộc gặp ở Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 18/10.
Theo giới quan sát, sự đón tiếp trọng thị của nước chủ nhà cùng các hoạt động của người đứng đầu Moscow tại Bắc Kinh đã khiến chuyến đi mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, khẳng định nước Nga và bản thân ông Putin không bị cô lập trước các biện pháp cấm vận và trừng phạt quốc tế như phương Tây mong muốn.
Động thái diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ra đời Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, cũng thể hiện sự ủng hộ của Moscow đối với chương trình đầy tham vọng của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng từ lục địa Á – Âu sang châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tân Hoa xã dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ghi nhận, việc ông Putin 3 lần liên tiếp dự diễn đàn BRF đã chứng tỏ điều này.
Phát biểu tại diễn đàn hôm 18/10, ông Putin ca ngợi BRI là một “câu chuyện thành công” bất ngờ. Lãnh đạo Điện Kremlin đánh giá cao những thành tựu và đóng góp của BRI trong một thập kỷ qua, đồng thời bày tỏ tin tưởng vào “thập kỷ vàng” tiếp theo của sáng kiến.
Sau đó trong ngày, ông Putin đã có cuộc hội đàm song phương kéo dài 3 giờ đồng hồ với nhà lãnh đạo Trung Quốc, khẳng định “tình hữu nghị láng giềng tốt đẹp, hợp tác bình đẳng, lâu dài, đôi bên cùng có lợi”. Ông nói, Nga sẵn sàng tận dụng dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2024 để đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga – Trung.
Đáp lại, ông Tập ca ngợi “sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị, sự phối hợp chiến lược chặt chẽ và hiệu quả” giữa hai nước. Chủ tịch Trung Quốc nhận định, mối quan hệ song phương đang “không ngừng trở nên sâu sắc hơn”. Ông tuyên bố, Trung Quốc luôn ủng hộ Nga theo đuổi con đường chấn hưng đất nước một cách độc lập, bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích quốc gia.
Theo CNN, trước khi rời Bắc Kinh, Tổng thống Putin tiết lộ với báo giới rằng, tại cuộc tiếp xúc trên, ông và ông Tập còn trao đổi về các “mối đe dọa chung” đối với hai nước cũng như thảo luận chi tiết về tình hình ở cả Trung Đông và Ukraine.
Một số nhà phân tích nhận định, chuyến công du Bắc Kinh lần này của ông Putin đã giúp thắt chặt quan hệ Nga – Trung Quốc cũng như mối quan hệ cá nhân với ông Tập. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, hai nhà lãnh đạo gọi nhau là “bạn thân” và đã gặp nhau 42 lần trong 10 năm qua.
Trong chuyến thăm Trung Quốc trước đó của ông Putin vào tháng 2/2022, hai nguyên thủ đã công bố đạt thỏa thuận về mối quan hệ “không giới hạn”. Đến tháng 3 năm nay, họ cùng nhắc tới một “kỷ nguyên mới” cho hợp tác song phương.
Nga hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc ngoài châu Á. Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov cho biết, kim ngạch thương mại giữa 2 nước đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay.
Trong khi, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với trao đổi giữa hai bên đạt tới 190 tỷ USD vào năm 2021. Trung Quốc hiện cũng nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ từ xứ sở bạch dương, trong bối cảnh Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đồng minh áp hạn chế với nhiên liệu Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Putin cũng cho thấy, Nga và Trung Quốc đang nỗ lực cùng nhau thúc đẩy những gì họ coi là “một trật tự toàn cầu mới, thay thế cho cơ chế hiện có, chỉ phục vụ lợi ích của Mỹ và phương Tây”.
Tại cuộc hội đàm với ông Tập, ông Putin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng tăng cường liên lạc và hợp tác với Trung Quốc trong các cơ chế đa phương như tổ chức BRICS, duy trì hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và thiết lập một hệ thống quản trị toàn cầu công bằng, hợp lý hơn.
Dù không đề cập đích danh Mỹ, nhưng ông Tập đã lên tiếng chỉ trích những gì Bắc Kinh coi là tham vọng duy trì vị trí bá chủ và nỗ lực ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
“Tất cả nhằm đảm bảo vị thế và ảnh hưởng toàn cầu”, chuyên gia Berzina-Cerenkova thuộc Đại học Riga Stradins (Latvia) bình luận.
Nguồn: vietnamnet