Ông Putin cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây có thể gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế của Nga.
Những lệnh trừng phạt bất hợp pháp áp đặt lên nền kinh tế Nga thực sự có thể có gây ra tác động tiêu cực trong trung hạn, hãng thông tấn TASS dẫn phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin trên truyền hình hôm 29/3.
Tuy nhiên, theo Tổng thống Nga, những biện pháp trừng phạt này cũng gây tổn hại cho chính các nước phương Tây khi đẩy lạm phát và giá năng lượng tăng cao.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cũng theo Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã tăng trưởng kể từ tháng 7/2022, một phần nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ hơn với “các quốc gia phía Đông và phía Nam”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của nhu cầu trong nước với kinh tế Nga, cho rằng nó đang trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu.
Ngân hàng Thế giới cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo mức giảm của nền kinh tế Nga lần lượt là 3,3% và 5,6% trong năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng của Nga sẽ không thay đổi trong năm nay, nhưng nền kinh tế sẽ giảm ít nhất 7% trong trung hạn.
Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã công bố hơn 11.300 lệnh trừng phạt.
Ukraine muốn tiếp tục được nhận vũ khí
Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmitry Kuleba kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ quân sự cho đến khi Kiev đạt được tất cả các mục tiêu trong cuộc xung đột.
Theo ông Kuleba, cuộc phản công đã được dự đoán trước của Ukraine không nên bị xem là thời điểm quyết định trong xung đột. Ông kêu gọi các nước phương Tây duy trì sự ủng hộ dù kết quả phản công như thế nào.
“Chúng ta nên chống lại nhận thức rằng cuộc phản công bằng mọi giá là trận chiến quyết định trong xung đột”, ông Kuleba nói với Financial Times.
Trong cuộc phản công dự kiến sắp diễn ra, Ukraine dự định sẽ tận dụng nguồn vũ khí phương Tây mới chuyển giao bao gồm các xe tăng chiến đấu chủ lực. Tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine chưa sẵn sàng phản công với lý do thiếu vũ khí.
Nguồn: vietnamnet