Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đỉnh điểm của những tác động tiêu cực vì các lệnh trừng phạt của phương Tây đã qua và mọi thứ đang dần bình thường. Ông cũng tuyên bố không ai có thể cô lập được nước Nga rộng lớn.
“Thời kỳ khó khăn đỉnh điểm nhất, theo như tôi nghĩ, đã qua rồi. Mọi thứ đang bình thường dần dần”, Tổng thống Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok ngày 7-9.
Ông cho biết “tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất” (khoảng 3,9%) và “lạm phát đang giảm dần”. Lạm phát ở Nga tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ vào tháng 4-2022. Tỉ lệ lạm phát sau đó giảm đều, nhưng vẫn đứng ở mức 15,1% trong tháng 7 vừa qua.
“Việc tăng giá vẫn đặt ra một mối đe dọa nhất định”, ông Putin thừa nhận và cho rằng giá cả mọi thứ cao sẽ ảnh hưởng đến mức sống của nhân dân và nền kinh tế nói chung.
Đáp trả lại “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, các nước phương Tây áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt, chủ yếu nhắm vào lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga.
Những gói trừng phạt này thuộc vào diện khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử hiện đại, với kỳ vọng sẽ buộc Matxcơva nhượng bộ và rút quân khỏi Ukraine.
Tuy nhiên, khi chiến sự đã bước sang tháng thứ 7 và Nga vẫn chưa có dấu hiệu rời khỏi Ukraine, phương Tây lại đang tìm một cách mới: áp giá trần dầu mỏ và khí đốt xuất khẩu khiến Nga thu về ít tiền hơn.
Nói về điều này tại Vladivostok, Tổng thống Putin mô tả kế hoạch của phương Tây là một sự “ngớ ngẩn”, đồng thời cảnh báo các nước này sẽ bị “đóng băng” nếu quyết tâm thúc đẩy việc áp giá trần.
“Sẽ không có khí đốt, không dầu, không than, không nhiên liệu và không thứ gì cả”, ông Putin nêu viễn cảnh Nga ngừng xuất khẩu tất cả mặt hàng năng lượng sang các nước áp giá trần.
Nhà lãnh đạo Nga cũng tuyên bố không ai có thể cô lập được nước Nga và với lãnh thổ rộng lớn cùng tài nguyên dồi dào, Nga có thể tự cung tự cấp các nguyên liệu thô cho sản xuất.
Chỉ vài giờ sau phát ngôn này, ngay trong chiều tối cùng ngày 7-9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẽ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt Nga, một mặt hàng mà khối này phụ thuộc vào Matxcơva.
Trước khi xung đột Ukraine bùng nổ, khoảng 40% lượng khí đốt và 30% lượng dầu của các nước EU đến từ Nga.
Các bộ trưởng EU dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 9-9 về kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga và giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng của khối.
Tuy nhiên, theo Hãng tin Reuters, dù cuộc họp vẫn chưa bắt đầu, những tranh cãi đã nổ ra khi một vài nước muốn bỏ kế hoạch áp giá trần khí đốt Nga ra khỏi chương trình nghị sự.
Nguồn: vietnamnet