Đã bị kết án 13 năm tù, ông Đinh La Thăng tiếp tục bị cáo buộc cố ý làm trái trong việc PVN mất trắng 800 tỉ đồng khi góp vốn vào OceanBank.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 1.

Ông Đinh La Thăng được dẫn giải tới phiên tòa

Chưa đến 7h sáng 19-3, đoàn xe chở các bị cáo từ các trại giam đã đến Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội để chuẩn bị cho việc mở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ gây thất thoát 800 tỉ đồng xảy ra tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Đây là vụ án thứ 2 liên quan đến vai trò và trách nhiệm của ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tích Tập đoàn dầu khí Việt Nam khoảng gần 10 năm trước.

Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng bị xác định có vai trò chính trong vụ án này.

An ninh phiên tòa được bảo vệ nghiêm ngặt. Chỉ những bị cáo, nhân chứng, người liên quan có giấy triệu tập mới được vào phòng xử án. Các phóng viên tham dự, thông tin về phiên tòa được bố trí tại một phòng riêng, theo dõi phiên tòa qua màn hình truyền trực tiếp từ phòng xử án.

Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu khai mạc phiên tòa, âm thanh tại phòng báo chí đã có vấn đề khiến các phóng viên không thể nghe rõ hội đồng xét xử, người tham dự phiên tòa đang nói gì. Rất lâu sau đó, vấn đề âm thanh mới được khắc phục.
Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 2.

Các phóng viên theo dõi phiên tòa qua màn hình truyền hình trực tiếp

Đề nghị triệu tập đầy đủ nhân chứng, người liên quan

Trong phần thủ tục khai mạc phiên tòa, luật sư Phan Trung Hoài – người bào chữa cho ông Đinh La Thăng cho biết trước khi tòa xét xử, ông Hoài đã có văn bản đề nghị Tòa mời đại diện nhiều cơ quan, tổ chức đến để làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến chủ trương góp vốn và thực hiện việc góp vốn của PVN tại OceanBank.

Cụ thể luật sư Hoài đã đề nghị triệu tập đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương…

Tuy nhiên tại phiên tòa hôm nay, HĐXX mới chỉ triệu tập đại diện Bộ Tài chính và đại diện Ngân hàng Nhà nước mà cũng chỉ đại diện Bộ Tài chính có mặt.

Do đó luật sư Hoài tiếp tục đề nghị triệu tập những người vắng mặt và những cơ quan tổ chức trên tham gia phiên tòa.

Sau khi nghe ý kiến các luật sư, Đại diện Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng một số nhân chứng và người có quyền và nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập mà chưa đến và những người mà các luật sư đề nghị triệu tập thì cần phải tiếp tục triệu tập đến tòa để phục vụ việc xét xử.

“Đề nghị triệu tập theo yêu cầu những người này để phục vụ phiên tòa. Nếu những người này tiếp tục vắng mặt thì áp dụng quyết định trong tố tụng để những người này phải có mặt phục vụ cho việc xét xử” – đại diện VKS nói.

Sau ít phút hội ý, HĐXX cho rằng những cá nhân, tổ chức được luật sư đề nghị triệu tập đã có các văn bản trả lời thể hiện trong hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên tòa cũng đã triệu tập đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nhưng đại diện 2 đơn vị này đang vắng mặt. Do phiên tòa diễn ra dài nên trong những ngày tiếp theo tòa sẽ tiếp tục triệu tập nếu xét thấy cần thiết.

Sau khi hoàn tất thủ tục khai mạc phiên tòa, đại diện Viện KSND TP Hà Nội đã công bố cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố 7 bị cáo trong vụ án.

PVN mất 800 tỉ khi đầu tư vào OceanBank

Cáo trạng vụ án xác định, vào khoảng cuối năm 2008 do không được đồng ý thành lập ngân hàng Hồng Việt nên các bị cáo với vai trò và trách nhiệm của những người được phân công đã có chủ trương góp vốn đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), một ngân hàng bị đánh giá là yếu kém lúc đó.

Ông Đinh La Thăng, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị được xác định khi chưa nhận được sự đồng ý của Hội đồng quản trị đã ký thỏa thuận với ông Hà Văn Thắm – nguyên chủ tịch HĐQT về việc góp vốn. Và thông qua những lần góp vốn cụ thể PVN đã góp tổng cộng 800 tỉ đồng vào OceanBank.

Tuy nhiên, sau đó ngân hàng đã bị nhà nước mua lại với giá 0 đồng 1 cổ phần dẫn đến thiệt hại cho nhà nước số tiền đã đầu tư.

Trước khi xét xử vụ án này ông Đinh La Thăng đã bị bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên phạt mức án 13 năm tù về tội cố ý làm trái trong việc đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 gây thất thoát 119 tỉ đồng.

Ngoài tội danh trên, trong phiên tòa còn xét xử ông Ninh Văn Quỳnh, nguyên kế toán trưởng của PVN tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng xác định ông Quỳnh đã nhận tổng cộng 20 tỉ đồng từ ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN. Tuy nhiên toàn bộ số tiền 20 tỉ đồng này đã được thu hồi.

Ngoài 7 bị cáo bị truy tố trong vụ án, TAND TP Hà Nội còn triệu tập những người liên quan như: ông Nguyễn Ngọc Sự (phó Tổng giám đốc PVN); ông Phùng Đình Thực, Phan Thị Hòa, Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh (thành viên HĐQT PVN).

Tòa cũng triệu tập ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT của OceanBank cùng các ông bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, Hà Văn Ninh Bùi Hà Châu là người làm chứng.

Ngoài ra tòa cũng đã triệu tập Đại diện Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 3.
Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 4.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn được dẫn giải vào phòng chờ 

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 5.

Khoảng 6h45 phút, đoàn xe dẫn giải các bị cáo có mặt tại tòa 

Ông Đinh La Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái vụ 800 tỉ ra sao? - Ảnh 6.

Rất đông phóng viên có mặt từ sớm trước cổng tòa án nhân dân TP. Hà Nội để đưa tin về phiên tòa 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cố ý làm sai phépđinh la thăngHầu tòaOceanbankTập đoàn Dầu khíviện KSND

Các tin liên quan đến bài viết