Chỉ vài giờ sau vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moïse, chính phủ nước này đã yêu cầu Mỹ và Liên Hợp Quốc triển khai quân để bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu của đất nước.
“Nếu phải gửi quân đội đến Haiti, chúng tôi sẽ chỉ cử lính thủy đánh bộ đến đại sứ quán Mỹ để đảm bảo rằng họ được an toàn và không có gì bất thường”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói tại một cuộc họp báo tại Washington, DC, với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào hôm 15/7.
Ông nói thêm: “Trên thực tế, ý tưởng điều lực lượng Mỹ tới Haiti không nằm trong chương trình nghị sự vào lúc này.”
Chính phủ của quyền Thủ tướng Haiti Claude Joseph chính thức gửi yêu cầu đưa quân đội tới vào ngày 9/7, nhưng theo Reuters, xem xét bản sao của hai bức thư mà chính phủ nước này gửi cho Mỹ và Liên Hợp Quốc, yêu cầu này đã được đưa ra một cách riêng tư từ trước đó hai ngày.
Các nguồn tin của Quốc hội nói với The Hill rằng yêu cầu này không rõ ràng về một số điều, bao gồm cả việc liệu chính phủ của Joseph đang yêu cầu cảnh sát hay quân đội.
Tuy nhiên, Mỹ cũng đã cử một số quan chức từ FBI và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đến quốc gia Caribe để giúp điều tra vụ sát hại của Moïse, cũng như tài trợ bổ sung 5 triệu USD cho Cảnh sát Quốc gia Haiti (PNH).
Ông Biden khẳng định sẽ không đưa quân đội tới Haiti vào thời điểm này. Ảnh: Sputniknews
Moïse đã bị giết vào sáng sớm ngày 7/7 bởi một nhóm lính đánh thuê tại nhà riêng ở ngoại ô Port-au-Prince. Vợ ông, Martine, bị thương nặng nhưng vẫn sống sót và đang hồi phục trong một bệnh viện ở Miami, Florida. Theo PNH, đội sát thủ gồm 26 người Colombia, hầu hết là cựu quân nhân và 2 người Mỹ; 20 người trong số họ đã bị bắt và bị buộc tội, trong khi những người còn lại bị giết trong cuộc đấu súng với cảnh sát.
Hôm 15/7, giám đốc PNH Leon Charles cho biết Dimitri Herard, người đứng đầu đội an ninh của Moïse, đã bị cách chức, thẩm vấn và bị giam giữ cách ly. Tuy nhiên, Charles bác bỏ những nghi vấn rằng vụ giết người này là “ám sát nội bộ”.
Mỹ đã nhiều lần can thiệp vào Haiti kể từ khi nước này giành được độc lập từ Pháp năm 1804, bao gồm cả cuộc chiếm đóng quân sự kéo dài 19 năm từ 1915 đến 1934, mà theo đó 15.000 người Haiti đã bị giết, và gần đây là vào năm 2004 khi Mỹ lật đổ Tổng thống Jean-Bertrand Aristide.
Theo Dân việt