Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ông vẫn có ý định dự hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới ở Nhật, nhưng không loại trừ khả năng phải hủy công du châu Á nếu không giải quyết được vấn đề trần nợ công.
Theo báo Japan Times, Tổng thống Biden hôm 9/5 phát biểu trước các phóng viên rằng, ông “vẫn cam kết” tham dự cuộc họp của các lãnh đạo G7 tại Nhật vào cuối tháng này, nhưng việc giải quyết vấn đề trần nợ công quan trọng hơn và “hiện là vấn đề quan trọng nhất trong chương trình nghị sự”. Lãnh đạo Nhà Trắng lưu ý ông có khả năng sẽ không rời Mỹ trong thời gian này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nhà Trắng trước đó cho hay, ông Biden dự kiến sẽ đến Hiroshima, Nhật dự hội nghị thượng đỉnh G7 từ ngày 19 – 21/5, trước khi lên đường tới Papua New Guine để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Diễn đàn quốc đảo Thái Bình Dương (PIF) và tới Sydney, Australia dự họp thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ (QUAD) vào ngày 24/5.
Reuters đưa tin, phát biểu mới của ông Biden về khả năng hủy chuyến công du đã lên lịch từ trước được đưa ra ngay sau cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa ông với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ, bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hòa nhằm tìm kiếm giải pháp cho bế tắc về trần nợ công. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề này.
Ông Biden đánh giá cuộc đàm phán nói trên “hiệu quả” và ông đã nêu rõ trách nhiệm tránh cho nước Mỹ vỡ nợ thuộc về Quốc hội. Tuy nhiên, ông McCarthy chia sẻ, bản thân không thấy “động thái mới của tổng thống” kể từ cuộc thảo luận hồi đầu tháng 2/2023.
Chủ tịch Hạ viện cáo buộc Nhà Trắng “không có kế hoạch B” và ông Biden “đã chờ quá lâu để họp bàn giải quyết vấn đề”. Ông McCarthy tiết lộ sẽ phản đối nếu tổng thống quyết định sử dụng Tu chính án thứ 14 để nâng trần nợ.
Cho đến nay, ông Biden và đảng Dân chủ vẫn đề xuất nâng mức trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD mà không đi kèm điều kiện nào. Song, phe Cộng hòa yêu cầu cắt giảm các khoản chi tiêu của chính phủ trong 10 năm tới là điều kiện cho việc đó.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hôm 7/5 cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ từ ngày 1/6 nếu giới hạn vay nợ không được nâng lên. Các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, tình trạng vỡ nợ kéo dài có thể đẩy nền kinh tế số 1 thế giới lâm vào suy thoái sâu và thậm chí dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Nguồn: vietnamnet