Dù thời tiết nóng bức, nhiệt độ cơ thể bình thường nhưng nhiều người sau khỏi COVID-19 thường xuyên gặp cơn ớn lạnh đột ngột, lạnh run.

Ớn lạnh, lạnh run sau mắc COVID-19 và tiêm vắc xin, vì sao? - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19 điều trị tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM 

Đây là một trong khoảng 200 triệu chứng hậu COVID-19, khiến người bệnh lo lắng nguy cơ tái nhiễm. Cũng có người gặp triệu chứng lạ phải đắp nhiều chăn hơn, chịu lạnh kém sau khi tiêm vắc xin.

Lạnh run không kiểm soát dù thời tiết nóng

Chị Hải Yến (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi mắc COVID-19 từ đầu tháng 1, đến nay thỉnh thoảng thấy người run lạnh không kiểm soát được mặc dù không bị lạnh và đang ở phòng rất ấm. Không biết tình trạng này có nguy hiểm không, có nguy cơ tái nhiễm không?”.

Cũng giống chị Yến, anh H.Minh (Hà Nội) cũng gặp tình trạng ớn lạnh, ho tức ngực sau khi mắc COVID-19. Anh Minh cho biết mình mắc COVID-19 và âm tính cách đây hai tuần. Sau đó thường xuyên xuất hiện các tình trạng trên khiến cuộc sống bị ảnh hưởng. Với nhiệt độ Hà Nội những ngày qua xuống thấp, anh Minh không thể ra ngoài trời làm việc.

Dù ở nơi có thời tiết nóng bức nhưng chị Kiều Linh (TP.HCM) thường xuyên gặp cơn ớn lạnh, có lúc phải mặc thêm áo ấm từ sau khi khỏi COVID-19 hai tuần trước. Chị Linh cho biết chị sẽ đi điều trị vì triệu chứng này đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

ThS.BS Kiều Xuân Thy – phó trưởng cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM – cho hay thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến thăm khám vì cơ thể bị ớn lạnh, rét run trong nhiều ngày dù nhiệt độ cơ thể bình thường, sống ở nơi thời tiết nóng, các chỉ số xét nghiệm bình thường.

So với tỉ lệ tất cả bệnh nhân khám hậu COVID-19 thì bệnh nhân gặp triệu chứng này không nhiều, tuy nhiên đã ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh vì không thể làm việc, học tập bình thường.

Bác sĩ Thy cho biết thêm, những bệnh nhân gặp triệu chứng trên đến khám, điều trị tại bệnh viện chủ yếu là người trẻ, lớn tuổi, chưa ghi nhận người cao tuổi. Có những bệnh nhân gặp phải triệu chứng này rất nặng nhưng có bệnh nhân gặp cơn ớn lạnh vài phút, vài giây mỗi ngày.

Cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học, hệ thống thống kê về triệu chứng này – bác sĩ Thy giải thích thêm.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga – Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Hà Nội), cho hay trong quá trình tư vấn, ông nhận định bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể mắc di chứng này, đặc biệt là người già có bệnh lý nền.

Không chỉ những người mắc COVID-19 gặp những triệu chứng bất thường này, mà nhiều người cũng “than” sau tiêm vắc xin thấy khả năng chịu lạnh kém hơn, trời lạnh là phải đắp tới mấy chăn hoặc dùng các biện pháp giữ ấm khác nếu không cứ thấy rét run, khác hẳn với trước đây.

Rối loạn hệ thống điều tiết nhiệt, máu lưu thông kém

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng ớn lạnh, lạnh run… sau nhiễm COVID-19, bác sĩ Thy cho rằng nguyên nhân ban đầu được cho là virus SAR-CoV-2 gây ra rối loạn hệ thống điều tiết nhiệt của cơ thể, từ đó khiến cơ thể rối loạn cảm giác với nhiệt độ.

Để xác định chính xác triệu chứng trên có phải là hậu COVID-19 không, các bác sĩ sẽ đo nhiệt độ cơ thể, thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân thực thể như rối loạn hạ đường huyết, hạ huyết áp… Với những bệnh nhân rét run cả ngày vì hậu COVID-19 phải nhập viện theo dõi, điều trị.

“Đặc biệt cơ chế điều nhiệt trên cơ thể bị ảnh hưởng, không điều chỉnh được nhiệt độ theo nhu cầu của cơ thể với môi trường bên ngoài. Nên mọi người có cảm giác ớn lạnh và nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 36 độ C”, bác sĩ Hoàng nói.

Theo bác sĩ Chu Thị Quỳnh Thơ – quyền trưởng phòng hồi phục chức năng hậu COVID-19 Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 Hoàng Mai (Hà Nội), để xác định tình trạng hậu COVID-19 là những triệu chứng xuất hiện sau bốn tuần khi đã âm tính với COVID-19.

“Chúng ta không nên chủ quan với những triệu chứng sau khi mắc COVID-19. Nhiều người lầm tưởng đó là di chứng của COVID-19 nhưng khi khám, kiểm tra thì đó lại là triệu chứng của một bệnh lý khác. Việc ớn lạnh sau khi mắc COVID-19 cũng vậy. Có thể do người bệnh bị sốt rét, vì vậy cần khám, kiểm tra kỹ mới kết luận và đưa ra hướng điều trị cụ thể”, bác sĩ Thơ thông tin.

Theo bác sĩ Hoàng, về cơ bản tình trạng này không quá nguy hiểm, ít gây biến chứng cho sức khỏe nhưng ảnh hưởng tâm lý, thói quen sinh hoạt và làm việc.

Trong một số trường hợp nếu không giữ ấm tốt sẽ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến các bệnh về đường hô hấp. Do đó, người bệnh cần ăn các thực phẩm ấm nóng, dùng các loại thuốc hoạt huyết, ăn ngủ tốt, vận động… để nhiệt độ cơ thể tăng lên.

Ớn lạnh, lạnh run sau mắc COVID-19 và tiêm vắc xin, vì sao? - Ảnh 2.

Thăm khám bệnh nhân gặp di chứng hậu COVID-19 

Triệu chứng ít gặp

Theo TS Phạm Quang Thái, trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, tình trạng bị rét do rối loạn chức năng điều nhiệt cũng có thể gặp ở một số người sau tiêm vắc xin COVID-19. Lý do khi kháng nguyên của virus dính vào, cơ thể đáp ứng quá mức dẫn đến ảnh hưởng chức năng này hoặc ảnh hưởng tới một số tuyến trong cơ thể, khiến chúng làm việc không “chuẩn” như cũ.

“Tình trạng này có thể gặp khi cơ thể gặp virus thật, hoặc virus đã bất hoạt/virus tái tổ hợp trong vắc xin.

Tuy nhiên tỉ lệ có rét run hoặc các triệu chứng bất thường sau tiêm vắc xin thấp hơn rất nhiều lần so với người mắc COVID-19, lý do là khi nhiễm thật thì lượng virus vào rất nhiều, nguy cơ xuất hiện triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn. Trong khi với vắc xin thì lượng kháng nguyên đưa vào được kiểm soát liều lượng” – TS Thái giải thích.

Ông Thái cũng cho rằng sau tiêm vắc xin, các triệu chứng này được coi là “ít gặp” và đã được thống kê trong danh sách các phản ứng không mong muốn sau tiêm. Phần lớn chỉ gặp ở người có cơ địa miễn dịch đặc biệt, đáp ứng quá mức khi gặp chất lạ hoặc kháng nguyên.

“So với người mắc COVID-19 thì số báo cáo gặp những triệu chứng này sau tiêm thấp hơn nhiều lần. Tương tự triệu chứng hậu COVID-19, dù ít gặp nhưng sau một thời gian thì tình trạng này sẽ hết” – ông Thái nhắc lại.

Chú ý cơn ớn lạnh sốt nhiễm khuẩn

Bên cạnh việc ớn lạnh do di chứng hậu COVID-19, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga – Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, lưu ý người bệnh cần chú ý theo dõi sức khỏe để xác định có phải ớn lạnh do sốt nhiễm khuẩn hay không.

Theo bác sĩ Hoàng, người bệnh ớn lạnh, đo nhiệt độ trên 370C, trường hợp này có thể là tình trạng sốt rét do nhiễm vi khuẩn hay gram âm.

Trường hợp sốt rét nguy hiểm hơn là nhiễm khuẩn huyết, tuy nhiên trường hợp này thường xảy ra ở bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Còn những người đo nhiệt độ cơ thể chỉ 360C hoặc dưới 360C có thể do máu huyết lưu thông kém, chuyển hóa kém do ảnh hưởng của hậu COVID-19.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : di chứngHậu COVIDỚn lạnh

Các tin liên quan đến bài viết