Tác động dịch Covid-19 khiến thị trường ô tô ảm đạm, ế ẩm. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt phụ tùng, đặc biệt là chip cũng khiến các hãng, đại lý đau đầu khi nhiều xe hot hiếm hàng, chậm giao khách.
Các nhà sản xuất ô tô “vật lộn” với tình trạng thiếu chip bán dẫn
Việc thiếu hụt chip bán dẫn và linh kiện đã và đang tác động nghiêm trọng tới kế hoạch vận hành sản xuất, kinh doanh xe ô tô trong năm 2021 nhiều hãng và đại lý ô tô trong nước.
Thiếu chip sản xuất, ô tô hot hiếm hàng, chậm giao khách. |
Một trong những hệ lụy đã hiện rõ đó là hiện nay nhiều mẫu xe “hot” như KIA Seltos, Toyota Cross, Mitsubishi Xpander, Outlander (lắp ráp trong nước), VinFast Fadil, Suzuki XL7 và Ertiga … khan hiếm hàng.
Nếu như cách đây 2 tháng, thời gian giao xe cho khách kéo dài từ 1-2i tháng so với bình thường thì nay một số xe còn chậm đến 3 tháng mới về đại lý.
Về vấn đề này, phía các hãng xe cũng đã chính thức thông báo tình trạng chậm trễ nhất định trong hoạt động sản xuất, đặt – giao xe… trong thời gian tới.
Cụ thể, mới đây nhất, trong một văn bản TC Motor gửi Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp chuyên lắp ráp xe Hàn Quốc này cũng đề cập việc thiếu chất bán dẫn, ảnh hưởng tới nguồn cung linh kiện chip điện tử đến nay đang là bài toán nan giải với rất nhiều doanh nghiệp.
Hãng xe Việt, Vinfast cũng bị ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu sản lượng được đề ra trước đó. Cụ thể, tại thị trường Mỹ, theo kế hoạch của Vingroup thì đến năm 2026 số lượng xe dự kiến bán là hàng trăm nghìn chiếc. Trong năm tới đây (2022), số lượng dự kiến bán là 56.000 xe, tuy nhiên do thiếu chip, nên mục tiêu giảm xuống còn 15.000 xe
Về phần Suzuki Việt Nam, vì nhà máy chính hãng tại Indonesia buộc phải cắt giảm sản xuất trong bối cảnh thiếu hụt linh kiện nên hai mẫu xe Suzuki XL7 và Ertiga nhập khẩu từ thị trường này đang bị hạn chế.
Tương tự, hãng xe Honda, Ford, đều phát đi thông điệp quan ngại về tình trạng ngày càng xấu đi khi thiếu linh kiện bán dẫn trên toàn cầu khiến thời gian sản xuất kéo dài…
Trước đó hồi cuối tháng 5, Mitsubishi Việt Nam từng phát thông báo cho các đại lý về việc chậm giao xe do việc thiếu hụt nguồn cung chíp bán dẫn và một số linh kiện điện tử. Hãng xe này cho biết, phải sau 20 ngày làm việc mới có thể tiếp tục giao xe cho nhà phân phối để bán cho người tiêu dùng.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Tư vấn toàn cầu AlixPartners dự đoán, việc thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thiệt hại khoảng 110 tỷ USD trong năm nay.
Con số này cao hơn mức dự đoán được đưa ra hồi tháng 1/2021, ở mức 61 tỷ USD. Theo AlixPartners, sản lượng ô tô trên toàn cầu sẽ giảm 3,9 triệu chiếc do thiếu chất bán dẫn, chiếm hơn 4,5% số xe mà các nhà sản xuất ô tô dự kiến sản xuất trong năm nay. Dự báo mới được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất đều bi quan về kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm nay.
Đại lý than “khó càng thêm khó”
Anh Nguyễn Mạnh Tiến, trưởng phòng kinh doanh một đại lý Toyota ở Hà Nội cho biết, Toyota Việt Nam hiện nhập khẩu nguyên chiếc nhiều mẫu xe từ Thái Lan như Toyota Corolla Cross, Camry, Hilux, Hiace hay Yaris…
Mới đây, thông tin hai nhà máy ở Thái Lan tạm dừng sản xuất ảnh hưởng khá nghiêm trọng guồn cung ứng ô tô Toyota nhập khẩu vào Việt Nam, gây ra sự chậm trễ nhất định trong kế hoạch giao xe cho khách hàng.
“Nhiều tháng nay, ngay cả khi các nhà máy vẫn hoạt động, mẫu xe Toyota Corolla Cross tại Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng thiếu hàng, nguồn cung không đủ đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng.
Nhiều khách hàng cần có luôn xe để di chuyển trong mùa dịch, đại lý muốn bán lắm nhưng đành chịu. Khách than vãn lên xuống, chấp nhận từ bỏ sở thích để đi chọn một mẫu xe khác có sẵn hàng. Cũng có một số người kiên nhẫn chờ đợi 1-2 tháng mới được nhận xe”, anh Tiến nói.
Kia Seltos bản Luxury và Deluxe khan hàng, 2-3 tháng mới có xe giao khách. |
Gần một tháng nay nghỉ làm ở nhà, giao dịch bán xe qua mạng, anh Việt Cường, nhân viên kinh doanh một đại lý xe KIA ở Hà Nội than thở: “Đợt này gần như tôi không chốt được đơn nào. Nhiều xe giảm giá khá tốt thì khách không màng đến mà toàn gặp phải khách tìm mua xe Seltos.
“Cách đây một tuần, có khách hỏi mua xe Kia Seltos nhưng lại hỏi đúng bản Deluxe đang hiếm hàng phải hơn hai tháng mới có. Khách cần luôn nên không chốt đơn được. Coi như tuột mất một đơn hàng “ngon”, anh Cường giãi bày.
Chị Nguyễn Huyền Thu, sales một đại lý xe Toyota cũng chia sẻ: “Công ty đang cho nghỉ dịch không lương. Nhiều xe Toyota Corolla Cross giao hiện giờ toàn là hợp đồng ký trước đó. Còn thời điểm này vốn ế khách đã đành, hiếm hoi lắm có khách hỏi thì đại lý cũng không đảm bảo được xe về sớm để giao khách, vì phụ thuộc vào trên hãng còn xe không nữa”.
Tình trạng thiếu chip bán dẫn này được giới chuyên gia dự đoán sẽ còn kéo dài đến hết năm nay, thậm chí có thể kéo dài sang năm 2022 và sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của các hãng xe trong thời gian tới. Thị trường ô tô khó có thể tăng trưởng như mong muốn.
Trong tháng 6, báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 23.587 xe, giảm 8% so với tháng 5.
Cụ thể hơn, trong số 23.587 xe đã bán, các hãng xe đã bán ra 15.802 xe du lịch (giảm 10% so với tháng trước đó); 7.131 xe thương mại (giảm 5%) và 654 xe chuyên dụng (giảm 25%).
Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 13.365 xe, giảm 3% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.222 xe, giảm 13%.
Nguồn: vietnamnet