Nhìn nhận thật khách quan.

Cá nhân chúng ta ai cũng đều cảm thấy nền giáo dục hiện tại không ổn chứ không riêng gì môn văn. Từ cảm nhận chung như thế, chúng ta có tâm thế phê phán, chê trách nhiều hơn rất nhiều xây dựng. Và cho đến khi nào thiếu cái nhìn khoa học thì giải pháp còn chưa đúng hướng.

Là một giáo viên, bản thân tôi cũng cảm thấy có nhiều điều mình làm chưa tốt. Học sinh hiện giờ không thích học văn có một lỗi lớn từ giáo viên khi chưa truyền được cảm hứng, chưa có nhiều sáng tạo trong cách dạy và học…

Ở nhà bố mẹ cấm cãi, đến lớp lại mong con không nghe 'lệnh' cô
“Hãy đặt giáo dục nhà trường như một mắt xích của quá trình giáo dục”

Bên cạnh đó, chúng ta nên thành thực với nhau rằng chỉ có giáo viên bây giờ mới dạy áp đặt hay từ xưa Việt Nam đã có lối giáo dục một chiều như vậy? Chỉ có bây giờ các con mới sợ văn ghét văn hay từ ngày xưa trong số chúng ta cũng có nhiều người cùng nỗi sợ?…

Cần phải nhìn nhận những vấn đề của giáo dục trong hệ thống chung các vấn đề xã hội, truyền thống dân tộc và tính lịch sử của sự phát triển, trong tâm tính, văn hóa của người Việt.

Hãy đặt giáo dục nhà trường như một mắt xích của quá trình giáo dục bao gồm gia đình – tự thân – nhà trường – xã hội. Bắt nhà trường phải làm tất cả những gì gia đình và xã hội không làm được là một sự đòi hỏi quá tải và vô lý.

Ở nhà, chúng ta không có thói quen dạy cho con sự phản biện nhưng lại mong nhà trường làm được điều đó. Ở nhà, chúng ta mong con học thật giỏi bằng cách thi được điểm cao vào được trường top nhưng lại mong ở trường thầy cô dạy con tính sáng tạo, khơi nguồn đam mê… Có rất nhiều thứ mâu thuẫn trong những mong muốn của phụ huynh. Nếu ở nhà bố mẹ không cho con “cãi” mình, bày tỏ quan điểm cá nhân của con thì chuyện không dám cãi cô bất kể mệnh lệnh của cô đúng hay sai là một điều hoàn toàn logic.

Tôi đã từng thấy những phụ huynh truyền tai nhau rằng ép con đọc sách để con học giỏi văn. Điều đấy hẳn nhiên không sai. Nhưng nếu tư duy quá “thực dụng” như vậy thì yêu cầu về kết quả của chúng ta cũng phải là thứ đong đếm được. Việc đọc sách cuối cùng được đo bằng việc kết quả môn văn ở trên lớp phải tiến bộ, nên đã khiến từ việc chọn sách đến phương pháp đọc chưa hẳn đã khơi gợi đam mê hứng thú với sách của con.

Thời gian gần đây có rất nhiều lớp học văn theo kiểu truyền cảm hứng, học đọc viết sáng tạo thu hút được sự quan tâm của phụ huynh. Bản thân tôi từng dạy các cháu nhỏ và tôi cũng nói thẳng với phụ huynh rằng tôi dạy ở lớp này các con có thể mê tít, nhưng nếu học trên lớp chính khóa rất có thể không mê tới mức ấy được nữa. Vì ở lớp này tôi được dạy hoàn toàn theo ý mình. Còn khi phải gắn với các kì thi thì làm sao còn dạy được kiểu “tự do phóng khoáng nhiều xúc cảm” nữa.

Nhưng cũng ngay ở lớp học này, tôi vẫn bắt gặp nhiều phụ huynh hi vọng các cháu đi học về sẽ tiến bộ bằng kết quả điểm trên lớp chứ rất khó tin vào một kết quả định tính là con yêu văn hơn, thích đọc sách hơn nếu không có một kết quả định lượng là điểm cao hơn.

Thực tế việc dạy văn ở trường

Chương trình hiện tại đã khá coi trọng các loại văn bản nhật dụng như: lập kế hoạch cá nhân, phát biểu ý kiến, trình bày một vấn đề, viết quảng cáo, viết thư….

Bên cạnh đó vẫn có khá nhiều tác phẩm văn học (cả đơn thuần nghệ thuật cả mang tính chính trị, lịch sử). Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi môn văn là môn đặc thù nó vừa có phần ngữ – dạy kĩ năng sử dụng ngôn ngữ, vừa có phần văn – cách cảm thụ những tác phẩm văn học. Thế nên, việc kiểm tra đánh giá có phần phân tích cảm thụ tác phẩm văn học là bình thường chứ không chỉ toàn trình bày các vấn đề xã hội.

Ở nhà bố mẹ cấm cãi, đến lớp lại mong con không nghe 'lệnh' cô
Mục đích của việc dạy kĩ năng phân tích tâm lý nhân vật hay nội dung một tác phẩm văn chương còn là để chúng ta biết tự đọc, tự học các tác phẩm khác”

Việc phân tích tâm lý nhân vật hay nội dung một tác phẩm văn chương có cần thiết hay không phụ thuộc vào quan điểm mỗi người. Đúng là trong cuộc sống sau này chúng ta ít dùng đến những thao tác đó hàng ngày, nhưng mục đích của việc học này còn là để biết tự đọc, tự học, tự tiếp cận các tác phẩm văn chương khác.

Thế nên, đừng vội chê các đề đòi hỏi cảm thụ đánh giá tác phẩm và cho rằng cứ phải nói về các đề mở như em là tổng thống em sẽ làm gì mới là hay. Cái cốt lõi không phải là dạng đề mà là chúng ta có chịu tôn trọng suy nghĩ, cảm nhận cá nhân của các em hay không? Có cho các em được tự do sáng tạo hay không?

Vấn đề rất lớn của giáo dục hiện nay là thi gì học nấy. Quy trình ngược này đã khiến giáo viên phải nháo nhào dạy kiểu ôn thi, kiểu đọc chép cho an toàn. Các bác phụ huynh hay mang tiêu chí cô luyện thi các con đỗ cao thế nào để so. Hay khi con còn nhỏ có thể mặc cho sáng tạo, nhưng càng lớp lớn càng mong con làm bài theo lối an toàn, theo ý các cô để thi cho qua đã.

Có thể làm mọi chuyện tốt lên mà không phải bắt đầu bằng ca thán

Tôi nói những điều trên không phải để chạy tội cho giáo viên mà vì tôi cũng là một phụ huynh. Con tôi đi học cô chữa bài toe toét rằng chỗ này phải chấm, chỗ kia phải phẩy. Cá nhân tôi thấy câu con tôi viết không sai, nhưng nội dung bài học của cô trên lớp mới dừng ở mức dùng các câu đơn để tả người mà con tôi cứ câu nhiều vế lê thê thì chưa đạt theo cái yêu cầu hẹp cũng là đúng. Tuy thế, tôi cũng chẳng ép con phải sửa theo cô, chỉ giải thích vì sao chỗ này cô bảo chưa đúng.

Tôi bắt con đọc hàng ngày, đủ loại kể cả sách khoa học, truyện tranh. Tôi coi đó là một thú vui giải trí, một cách cân bằng cảm xúc cho con mà việc học tốt văn nhờ đọc sách chỉ là một phần thưởng khuyến mãi đi kèm, không phải mục đích của đọc sách.

Tôi ít ca thán về trường học, về chương trình học của con. Thay vào đó, tôi đọc sách giáo khoa của con kĩ hơn, tìm cách giúp con nắm được bản chất và phương pháp học, giảm thời gian học để tăng thời gian vận động, chơi và làm việc nhà.

Tôi thông cảm với cô giáo của con, vì ở một góc nào đó, cô cũng loay hoay khổ sở trong một cái guồng mà cô không nhiều quyền quyết định

Tôi rèn con học văn không bằng việc ngồi viết những bài văn trên lớp thật tốt mà quan sát cuộc sống thật nhiều, nói chuyện với bố mẹ thật nhiều, được hỏi ý kiến về mọi việc, được “cãi”, được bố mẹ tôn trọng suy nghĩ cá nhân ngay cả khi suy nghĩ ấy chưa đúng (tôn trọng không có nghĩa là ủng hộ và đồng thuận). Tôi luyện cho con thói quen trình bày điều mình nghĩ một cách logic, lớp lang, hệ thống.

Có rất nhiều cách để chúng ta làm mọi chuyện tốt lên mà không phải bắt đầu bằng việc ca thán, chê trách, nhất là với những việc trước mắt chưa thể thay đổi được ngay.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : dạy họcdạy văngiáo viên

Các tin liên quan đến bài viết