Chứng khoán Mỹ bất ngờ tụt giảm phiên thứ 2 liên tiếp với áp lực bán tháo đè nặng lên nhóm cổ phiếu công nghệ bất chấp nhiều bang nới lỏng lệnh phong tỏa và nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhất 4 thập kỷ.

Theo CNBC, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite của Mỹ chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong 2 tháng qua với mức mất điểm lên tới 1,9% xuống còn 13.633,5 điểm.

Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm 0,7% xuống 4.164,7 điểm trong bối cảnh thị trường bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ lớn và các cổ phiếu tăng trưởng cao khác.

Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ giảm mạnh như Apple của Tim Cook giảm 3,5%, Alphabet (Google) giảm 1,6%, Tesla của Elon Musk giảm 1,7%, Facebook của Mark Zuckerberg giảm 1,3%.

Cổ phiếu 2 công ty sản xuất chip Nvidia và Intel cũng giảm mạnh tương ứng 3,3% và 0,6%.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp gần nhất cam kết sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế và nền kinh tế số 1 thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng kỷ lục trong năm nay.

Chủ tịch chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York, John Williams hồi cuối tuần đưa ra đánh giá cho rằng nền kinh tế Mỹ trong năm nay có khả năng tăng trưởng 7%, mức nhanh nhất trong gần 4 thập niên qua.

Nước Mỹ đối mặt rủi ro, sức mạnh ngàn tỷ đổ dốc
Chứng khoán Mỹ giảm từ đỉnh.

Ông John Williams cũng khẳng định sự gia tăng đột biến của lạm phát trong ngắn hạn không phải là điều quá lo ngại.

Đại diện của Fed cũng cho rằng, sự hồi phục ấn tượng của kinh tế Mỹ đến từ các chính sách tài chính phù hợp, các biện pháp tài trợ tài chính mạnh và chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tiến triển nhanh.

Hồi cuối tháng 4, Tổng thống Joe Biden đã đánh dấu 100 ngày đầu tại vị của mình với một thị trường chứng khoán tăng trưởng cao chưa từng có kể từ thập niên 1950. Các chính sách kích thích khổng lồ và nền kinh tế đang trên đà bùng nổ đã góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ.

Tuy nhiên, gần đây nhiều sự lo ngại bắt đầu xuất hiện, trong đó có nỗi lo về sự gia tăng lạm phát. Nhiều người cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt kích thích tiền tệ sớm hơn so với thông báo. Bên cạnh đó là khả năng tăng thuế trong những tháng tới.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vừa đưa ra nhận định cho rằng lãi suất có thể phải tăng lên một chút để giữ cho nền kinh tế không quá nóng.

Trong báo cáo tại đại hội thường niên gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã đề cập nhiều tới việc giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng mạnh. Giá cả hàng hóa từ sắt thép, gỗ, ngô, bông… đều tăng vọt trong vài tháng gần đây.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chứng khoán MỹMỹrủi ro

Các tin liên quan đến bài viết