Thị trường chứng khoán Mỹ sụt giảm xóa tan mức hồi phục trước đó do lạm phát vượt dự báo. Nước Mỹ đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt mà chưa thấy lối thoát.

Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đêm qua giảm gần 3,2%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 300 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 đã chạm mức thấp nhất trong 52 tuần và đã sụt 18% so với đỉnh 1 năm qua, hay mất 17% kể từ đầu năm 2022.

Giới đầu tư tiếp tục bán tháo các cổ phiếu thuộc dòng kỳ vọng tăng trưởng cao, đặc biệt nhóm cổ phiếu công nghệ. Lãi suất cao được cho là thủ phạm sẽ giết chết các doanh nghiệp như trong ngành công nghệ.

Các cổ phiếu như Meta Platforms (công ty mẹ Facebook), Apple, Salesforce và Microsoft đều giảm 3,3-5,2%.

Giới đầu tư lo ngại lạm phát ở mức quá cao.

Đêm qua (giờ Việt Nam), Mỹ công bố lạm phát hạ nhiệt xuống 8,3% sau khi lên đỉnh 40 năm. Tuy nhiên, mức này còn rất cao và vượt kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt (từ mức 8,5% tháng 3) xuống 8,1%.

Với mức lạm phát như hiện tại, nhiều khả năng nước Mỹ còn rất lâu để có thể kéo về mức mục tiêu 2%. Hàng loạt biện pháp thắt chặt tiền tệ sẽ phải tiếp tục được tung ra trong khi kinh tế Mỹ đứng trước nguy cơ suy thoái.

Các tín hiệu trên thị trường cho thấy giới đầu tư đang đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong tháng 6. Đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất trong 20 năm. Chỉ số DXY, đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, tăng lên trên ngưỡng 104 điểm.

Trên CNBC, chuyên gia của Allianz cho rằng, Mỹ đang trên bờ vực của “cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt” khi mà lạm phát tiếp tục tăng cao. Trước đó, tháng 3, Mỹ ghi nhận mức lạm phát 8,5%, đỉnh của 40 năm qua.

Trong tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm, vọt 6.2%, cao hơn so với dự báo tăng 6%.

Nhiều đánh giá gần đây cho rằng, Fed đã phản ứng chậm hơn trong việc kiềm chế lạm phát trong thời gian qua, điều này có thể gây áp lực lên ngân hàng trung ương để hành động mạnh mẽ hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đêm qua có lúc lại vượt mốc 3% nhưng giảm sau đó và khép phiên ở mức 2,93%.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm sâu.

Fed thắt chặt tiền tệ, nguy cơ tái hiện khủng hoảng tài chính châu Á 1997

Gần đây, nhiều nhà phân tích lo ngại về nguy cơ tái hiện cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ.

Trong quá khứ, động thái siết dòng tiền của Fed là tín hiệu xấu đối với các nền kinh tế mới nổi. Lịch sử cho thấy, trong một năm rưỡi từ cuối 1993 đến giữa 1995, Fed nâng lãi suất từ dưới 3% lên trên 6%. Kết quả là đồng USD tăng mạnh, dòng tiền ồ ạt quay trở lại Mỹ và sự tháo chạy này là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

Chỉ trong vòng khoảng một năm, chứng khoán nhiều nước ở châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines đã giảm mạnh 50-70% so với trước khủng hoảng.

Tới 2008, thị trường chứng khoán các nước mới nổi cũng trải một cơn sóng gió khi Fed rút lại các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hay như năm 2013, Fed cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE), các thị trường cũng đồng loạt chuyển sang trạng thái xấu.

Ở vào thời điểm hiện tại, nhiều thị trường chứng khoán các nước châu Á cũng rơi vào một đợt giảm khá mạnh sau khi Fed khởi động một quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ (bắt đầu từ tháng 3).

Tuy nhiên, tình hình sức khỏe tài chính của nhiều nước hiện tốt hơn trước rất nhiều. Dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia ở mức cao, hầu hết trên ngưỡng 7% GDP, một mức giúp các nước có thể duy trì hoạt động xuất nhập khẩu ít nhất 1 năm mà không cần vay mượn thêm bên ngoài.

Gần đây, dù Fed đã bắt đầu tăng lãi suất, nhưng dòng tiền đổ vào chứng khoán có dấu hiệu tăng trở lại ở một số nước, trong đó có Việt Nam.

Triển vọng kinh tế ở nhiều nước châu Á khá tốt do xung đột Mỹ-Trung về thương mại và cuộc chiến Nga-Ukraine tại châu Âu đã dẫn dòng vốn chuyển hướng đầu tư. Dù vậy, không ít nền kinh tế vẫn đang gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng về giá cả leo thang do cuộc chiến Nga-Ukraine.

Định giá cổ phiếu ở nhiều thị trường chứng khoán châu Á được cho là ở mức không cao, nhiều nơi đã ở mức hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không kỳ vọng dòng tiền đột phá và các thị trường chứng khoán bứt phá khi mà 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang lao đao.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : chứng khoánchứng khoán Mỹkhủng hoảnglạm phát

Các tin liên quan đến bài viết