Thủ tướng Áo thông báo, hàng triệu người chưa hoàn thành tiêm phòng Covid-19 ở nước này sẽ bị áp phong tỏa từ ngày 15/11 nhằm đối phó với tình trạng tăng kỷ lục ca mắc mới.

Châu Âu một lần nữa đã trở thành tâm chấn của đại dịch, buộc một số chính phủ phải cân nhắc tái triển khai các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn virus lây lan. Áo đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp phong tỏa trên toàn quốc với những người chưa hoàn thành tiêm phòng.

Nước đầu tiên áp phong tỏa người chưa tiêm phòng, Pháp phát hiện biến thể Covid-19 mới
Người dân đeo khẩu trang khi vào siêu thị mua sắm ở Vienna, Áo. 

Theo Reuters, cho đến nay, gần 65% dân số Áo đã tiêm đủ liều vắc xin ngừa Covid-19, tỷ lệ thuộc hàng thấp nhất Tây Âu. Nhiều người dân nước này tỏ ra e ngại tiêm chủng, quan điểm nhận được sự ủng hộ của đảng Tự do cánh hữu, chính đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội.

Trong khi Hà Lan đối phó với việc gia tăng ca mắc mới bằng cách áp phong tỏa một phần đối với toàn bộ người dân, chính phủ của Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg tuyên bố họ muốn tránh triển khai thêm hạn chế với những người đã hoàn thành chủng ngừa.

“Chúng ta cần phải tăng tỷ lệ tiêm phòng vì nó hiện thấp tới mức đáng xấu hổ”, ông Schallenberg tuyên bố tại cuộc họp báo ngày 14/11 sau cuộc họp trực tuyến với thống đốc của 9 tỉnh.

Bộ trưởng Y tế Áo Wolfgang Mueckstein nói thêm, sắc lệnh mới ban đầu sẽ có hiệu lực trong 10 ngày. Theo đó, những người chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin chỉ có thể rời nhà trong một số ít trường hợp như đi làm, khám chữa bệnh hoặc mua đồ thiết yếu. Trẻ từ 12 tuổi trở xuống sẽ được miễn trừ phong tỏa.

Cảnh sát sẽ kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo việc thực thi sắc lệnh mới.

Kể từ đầu dịch, Áo ghi nhận tổng cộng gần 960.000 ca mắc, bao gồm 11.706 trường hợp tử vong.

Xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 ở Pháp

Các chuyên gia Pháp đã lên tiếng báo động về một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên gọi B.1.X hay B.1.640 vì những thay đổi chưa từng thấy trước đây ở protein của nó. Cụ thể, theo giáo sư Cyrille Cohen thuộc Đại học Bar-Ilan, B.1.X có protein khuyết thiếu một số thành phần so với chủng gốc, cho phép virus bám vào tế bào người và lây truyền bệnh.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là sự khuyết thiếu nói trên ở protein của B.1.X sẽ khiến virus giảm hay tăng khả năng lây nhiễm.

Theo báo Le Telegramme, biến thể đã lây nhiễm cho 24 trường hợp, gồm 6 người lớn và 18 trẻ em tại một trường học ở vùng Brittany hồi tháng 10, khiến cơ sở giáo dục này phải đóng cửa.

Sau khi phong tỏa và xét nghiệm khoảng 500 người liên quan, nhà chức trách không phát hiện thêm ca mắc B.1.X. Tình hình dịch tại ngôi trường trên đã được kiểm soát từ ngày 26/10, nhưng các cơ quan quản lý y tế Pháp vẫn đang theo dõi chặt chẽ và truy tìm nguồn gốc biến thể.

Đây không phải là lần đầu tiên thế giới ghi nhận biến thể mới của virus gây đại dịch Covid-19. Hàng trăm đột biến của virus đã xuất hiện trên khắp thế giới thời gian qua, dẫn đến sự bùng phát các ổ dịch mới ở một số quốc gia. Song, theo các bằng chứng cho đến hiện tại, gần như chưa biến thể nào nguy hiểm như Delta (B.1.617.2).

Trung Quốc trình làng vắc xin dạng hít

Tại một hội chợ triển lãm ở tỉnh Hải Nam hồi cuối tuần qua, Trung Quốc đã cho ra mắt một loại vắc xin ngừa Covid-19 dạng hít. Loại vắc xin mới này do các chuyên gia tại Viện Quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Công ty công nghệ sinh học Cansino Biologics phối hợp phát triển.

Theo các thử nghiệm, việc hít vắc xin dạng khí dung có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ tương đương với dạng tiêm vào bắp tay, trong khi liều lượng chỉ bằng 1/5. Các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 của vắc xin dạng hít đạt kết quả khả quan như giai đoạn một, với độ an toàn và hiệu quả cao.

Các nhà phát triển hy vọng sản phẩm của họ sẽ được cấp phép sử dụng khẩn cấp. Vắc xin dạng hít có thể giúp tăng đáng kể mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân, nhất là đối với những người mắc chứng sợ kim tiêm.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

– Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 15/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 254 triệu người, trên 5,1 triệu ca tử vong. Song, gần 229,7 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

– Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 với xấp xỉ 48 triệu ca mắc, 783.549 bệnh nhân không qua khỏi. Hơn 59% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 8,3% được tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường.

– Cơ quan Dược phẩm Ai Cập (EDA) ngày 14/11 thông báo chính thức thử nghiệm lâm sàng vắc xin tự chế đầu tiên của nước này, có tên gọi COVI-VAX.

– Ít nhất 3 bệnh nhân đã thiệt mạng khi hỏa hoạn xảy ra tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thuộc một bệnh viện ở thành phố Sliven, đông nam Bulgaria ngày 14/11. Sự cố xảy ra đúng vào ngày người dân Bulgaria đi bỏ phiếu bầu quốc hội lần thứ 3 trong năm nay.

– Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo sẽ tiêm phòng Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 5 – 11. Quyết định được đưa ra sau khi nhận được sự nhất trí của một hội đồng chuyên gia cố vấn hồi tuần trước, trong bối cảnh Cục quản lý thức phẩm và dược phẩm Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer/BioNTech để tiêm cho lứa tuổi này.

– Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen chiều 14/11 thông báo, nước này sẽ chấm dứt cách ly đối với tất cả những người nhập cảnh đã chủng ngừa đầy đủ. Song, nhà chức trách vẫn áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người nhập cảnh chưa tiêm phòng. Cho đến nay, gần 88% trong tổng số 16 triệu dân ở quốc gia Đông Nam Á đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, cao thứ 2 khu vực sau Singapore.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : ÁoPhong Tỏavắc xin covid-19virus Corona

Các tin liên quan đến bài viết