Trong sáu gia đình ở xóm Khanh bị nạn, có bốn gia đình bị bùn đá vùi lấp hoàn toàn, không còn lấy một ai. Hai gia đình bị đất đá xô hỏng nhà, còn người may mắn chạy thoát.

Nửa quả đồi ụp xuống, xóm Khanh đẫm nước mắt - Ảnh 1.

Các con ông Đinh Công Sinh khóc ngất khi lo hậu sự cho cha 

Rạng sáng 12-10, một trận sạt lở đất đá kinh hoàng tại xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) đã vùi lấp cả bốn ngôi nhà dưới chân đồi. Đến 22h đêm qua, lực lượng chức năng mới tìm được 9 thi thể, vẫn còn 9 nạn nhân bị đất đá vùi lấp.

Hai gia đình không còn ai

Ở tuổi thất thập, nhưng sau trận sạt lở đất kinh hoàng đêm qua, ông Đinh Công Lin (xóm Khanh) lại phải ngược xuôi lo tìm kiếm vợ và con bị đất đá vùi lấp chưa tìm thấy.

“Từ tối đã thấy lở đất một chút rồi. Cả tôi và mọi người trong xóm cùng ra gác ở đó, nhưng gác đến 11h đêm thì tôi về nhà, nằm nghỉ nhưng trằn trọc hoài không sao ngủ được. Đến khoảng 1h30 thì nghe ầm ầm từ phía trên đầu núi, nhìn qua khe cửa thấy bùn đá phun lên, rồi cả xóm chìm lỉm” – ông nhớ lại.

 Trong sáu gia đình ở xóm Khanh bị nạn, có bốn gia đình bị bùn đá vùi lấp hoàn toàn, không còn lấy một ai. Hai gia đình bị đất đá xô hỏng nhà, còn người may mắn chạy thoát.

Theo ông Đinh Đức Thịnh – người am tường về thác nước Khanh ở phía trên: “Các gia đình bị vùi lấp không phải bị đất đồi đổ xuống mà còn bị nửa quả đồi phía bên kia ụp vào. Khu vực lở nửa quả đồi là thác Khanh, chỗ đó có con suối nhưng không hướng vào nơi những hộ bị nạn ở.

Từ thác Khanh – nơi nửa quả đồi ụp xuống – đến chỗ các gia đình sinh sống còn cách nhau mấy mảnh ruộng. Vậy mà khi nửa quả đồi lở ra, hàng nghìn mét khối đất đá đã lấp hết lòng suối, lấp kín cả phần ruộng trước khi tràn qua phía đồi bên này phủ hết bốn ngôi nhà”.

“Tôi sống gần đời người rồi nhưng chưa thấy trận lở đất nào kinh hoàng và lạ kỳ đến vậy. Rất nhiều người bàng hoàng vì thác Khanh là một điểm du lịch từ xưa nay. Còn các hộ dân sống ở chân đồi bên này, cách thác Khanh đến vài trăm mét, vậy mà đất đá ập xuống phủ kín” – ông Thịnh nói.

Ngồi thẫn thờ bên bờ ruộng còn nham nhở đất đá, ông Lin nói trong nghẹn ngào, xót xa: “Nhà ông Đinh Công Hơn có bốn người gồm hai vợ chồng và hai con trai. Tối hôm trước cả nhà đều đầy đủ cả, giờ thì chẳng còn ai nữa. Còn hộ gia đình ông Đinh Công Huynh có năm người giờ cũng chẳng biết ở đâu”.

Anh Đinh Công Hoan – một trong số những người may mắn thoát chết – nói trong nước mắt rằng đến chiều nay mới tìm thấy bố. Còn bà nội, mẹ và hai em nữa vẫn chưa thấy.

Không tìm thấy người thân nữa, một mình anh Hoan phải gắng gượng lo hậu sự cho bố và ngược xuôi mong ngóng tin tìm kiếm những người thân còn lại.

Theo lời anh Hoan thì tối 11-10, anh ra ngoài quốc lộ 6 ngủ tại nhà dì ruột. “Nửa đêm nghe tin dữ chạy về thì thấy đất đá phủ kín cả khu vườn. Bây giờ tôi chẳng còn ai nữa” – anh Hoan khóc nghẹn ngào.

Thẫn thờ trước quan tài chồng là anh Đinh Công Nghị, chị Đinh Thị Hộc (xóm Khanh) khóc ngất. “Cưới nhau chưa đầy 6 tháng, tối hôm bị nạn anh sang nhà người thân chơi và ngủ lại, giờ anh ấy đâu còn. Sao ông trời lại ác thế!”.

Cho đến chiều 12-10, những khu đất trống trong thôn được sử dụng làm nơi lo tang lễ cho những nạn nhân đã tìm thấy. Phía xa xa, nhiều cỗ áo quan đã được chuyển gấp về để cạnh nhau trông rất đau lòng.

Nửa quả đồi ụp xuống, xóm Khanh đẫm nước mắt - Ảnh 3.

Lực lượng cứu hộ thuộc Bộ Quốc phòng tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, Hòa Bình

Nỗ lực tìm đến người cuối cùng

Trong ngày 12-10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp tục chạy đua với thời gian mong sớm tìm được những người còn mất tích.

“Điều kiện tìm kiếm rất khắc nghiệt, phía dưới chân đồi (nơi sạt lở) thì các lực lượng đang tìm kiếm, còn phía trên đỉnh đồi, một lực lượng khác đang làm nhiệm vụ giám sát sự dịch chuyển của phần nửa đồi còn lại vì khả năng sạt lở vẫn có thể diễn ra.

Nếu có dấu hiệu sạt lở tiếp thì lực lượng giám sát lập tức bắn pháo sáng cảnh báo cho lực lượng tìm kiếm bên dưới” – ông Trần Anh Tuấn, chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Tân Lạc, cho hay.

Trực tiếp chỉ huy lực lượng tham gia tìm kiếm các nạn nhân, thượng tá Cao Thái Sơn, phó trưởng phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Chừng 3h sáng 12-10, ngay khi tiếp cận được hiện trường gia đình có năm người bị nạn, chúng tôi chỉ cử một người cảnh giới diễn biến sạt lở, còn lại 21 anh em lao vào người đào, người bới với hi vọng tìm được người còn sống. Nhưng rồi hi vọng một lúc một vơi dần” – thượng tá Sơn chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Hoàn – phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, đơn vị đã huy động rất nhiều lực lượng tham gia tìm kiếm, nhưng giữa hàng chục nghìn mét khối đất đá ập xuống, việc xác định vị trí các nạn nhân là vô cùng khó khăn.

Cũng theo ông Hoàn, việc tìm kiếm liên tục bị gián đoạn vì có lúc trời đổ mưa tầm tã. Có thời điểm phải dừng các lực lượng tìm kiếm để đưa máy xúc, máy ủi vào san gạt bớt những khối đá lớn.

Từ chiều 12-10, Bộ Công an đã chi viện thêm nhiều lực lượng tinh nhuệ, thiết bị hiện đại cho công tác tìm kiếm.

“Chúng tôi đã sử dụng cả máy dò siêu âm, máy dò nhiệt, sử dụng cả chó nghiệp vụ để đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm” – ông Đoàn Thanh Hiền, chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo ứng phó thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (Bộ Công an), nói.

Cho đến 20h tối qua, sau nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới đưa được chín thi thể ra khỏi nơi vùi lấp, vẫn còn chín người khác được xác định còn bị vùi lấp, nhưng chưa xác định được vị trí.

“Bố đi giúp chạy lũ sao không về”

Trong số 18 người bị nạn, thi thể ông Đinh Công Sinh (41 tuổi), phó chi hội trưởng chi hội nông dân xóm Khanh, được tìm thấy sớm.

Theo lời ông Đinh Công Lin thì đêm đó ông Sinh qua nhà bà con trong xóm rồi ở lại cùng để canh lở đất, ai ngờ đất lở chôn vùi luôn ông.

Ngồi bần thần bên thi thể cha, anh Đinh Công Cường cùng chị và em gái vật vã kêu gào: “Hai chị em con đi làm xa, bố nói ở nhà có mẹ, có em, các con ở xa đừng làm quá sức. Vậy sao bố không giữ mình vậy”.

Cùng là cán bộ trong thôn đi lo việc xóm như ông Sinh, giờ đây ông Đinh Công Hức, trưởng xóm Khanh, cũng chưa được tìm thấy.

Bà Lân, vợ ông Hức, cho biết hai ngày trước khi xảy ra tai họa, ông Hức chạy xe máy đi khắp thôn để nhắc nhở bà con phòng chống lũ.

“Tối 11-10, anh Hức đến nhà các hộ dân gần thác Khanh nhắc nhở mọi người đề phòng nước suối tràn vào nhà. Sau đó anh Hức ngủ lại ở đó vì mưa lớn không về được. Hai ngày chưa về nhà, ai ngờ anh Hức đi mãi mãi” – bà Lân nghẹn khóc.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : hòa bìnhhuyện Tân Lạclực lượng cứu hộtìm kiếmvùi lấpxã Phú Cườngxóm Khanh

Các tin liên quan đến bài viết