Một nghiên cứu khoa học mới đây phát hiện các chất hóa học bị cấm từ thập niên 1970 vẫn tồn tại ở nơi sâu nhất của Thái Bình Dương.
Nửa thế kỷ, hóa chất cấm vẫn tích lại ở đáy biển
Loài giáp xác amphipod được tìm thấy dưới các rãnh Mariana và Kermadec

Đài BBC cho biết các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên trước nồng độ tương đối cao của các chất gây ô nhiễm như polychlorinated biphenyls (PCB) và polybromonated diphenyl ethers (PBDE) trong hệ sinh thái biển sâu. Các chất này từng được sử dụng rộng rãi như là chất cách điện và chống cháy trong thế kỷ 20, nhưng chúng dần bị cấm sau khi người ta phát hiện đó là những chất độc hại và có thể tích tụ lâu dài trong môi trường. Mỹ cấm sản xuất PCB từ năm 1979. Một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc ký kết năm 2001 đã chính thức cấm sản xuất chất hóa học độc hại này. Trước đó, thế giới đã sản xuất khoảng 1,3 triệu tấn PCB. Nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Alan Jamieson thuộc ĐH Newcastle dẫn đầu đã thu thập các mẫu chất ô nhiễm trong mô mỡ của một loài giáp xác sống sâu dưới đáy Thái Bình Dương. Nhóm đã bắt được loài giáp xác trên tại khu vực rãnh đại dương Mariana và Kermadec nhờ vào một thiết bị đặc biệt. Các rãnh này sâu trên 10km.Các chất hóa học được tìm thấy trong loài amphipod (một dạng sinh vật phù du) gồm có PCB và PBDE. Thâm nhập vào môi trường từ các sự cố công nghiệp cũng như từ rác thải, những chất ô nhiễm này không bị phân hủy trong tự nhiên nên tồn tại lâu dài trong môi trường. Trong báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nature Ecology Evolutionngày 13-2, các tác giả cho biết nồng độ PCB cao nhất là tại rãnh Mariana. Nồng độ PCB này cao gấp 50 lần so với trong tế bào của cua nuôi tại các ruộng lúa ở sông Liaohe của Trung Quốc. Liaohe là một trong những con sông ô nhiễm nhất nước này. “Nồng độ ô nhiễm trong các con amphipod chúng tôi thu thập được tương đồng với nồng độ tìm thấy tại vịnh Suruga, một trong những khu công nghiệp ô nhiễm nhất tại tây bắc Thái Bình Dương”, báo cáo cho biết. Nhóm nghiên cứu cho rằng các chất độc PCB và PBDE có thể vào các rãnh tại Thái Bình Dương thông qua các mảnh rác độc hại và các sinh vật chết chìm xuống thềm lục địa.Báo cáo của nhóm nghiên cứu đã “đưa ra một bằng chứng rõ ràng rằng đại dương sâu thẳm vẫn có liên kết cao đối với vùng nước trên bề mặt và vẫn tiếp xúc với những chất ô nhiễm do con người tạo ra”.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : chất hóa họcchất ô nhiễmđộc hạihóa chấtloài giáp xácnghiên cứuThái Bình Dươngtích tụ

Các tin liên quan đến bài viết