Chị là Dương Thanh Quý (1986, ngụ ấp 5, xã Tân Hưng), nhân viên y tế Trường tiểu học – THCS Tân Hưng (Đồng Phú). Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng, không ai ngờ chị còn là tay bắn nỏ cừ khôi của huyện. Năm 2017, chị đã xuất sắc đem về nhiều thành tích đáng nể cho thể thao huyện.
Nhiều lần hẹn gặp chị để tìm hiểu về nghệ thuật bắn nỏ và những thành tích đạt được, chị luôn khiêm tốn: “Tôi mới biết bắn nỏ thôi, nhiều người khác còn bắn tốt hơn tôi mà”. Thế nhưng tôi thật sự khâm phục thành tích khá ấn tượng của chị tại hội thi, liên hoan văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số (DTTS) các cấp.
Chị Dương Thanh Quý (giữa) nhận giải nhất nội dung bắn nỏ toàn năng tại Liên hoan văn hóa – thể thao các DTTS huyện Đồng Phú năm 2017
Tốt nghiệp trung cấp y tỉnh Cao Bằng, năm 2007, chị Quý vào Bình Phước cùng chị gái và công tác tại Trường tiểu học – THCS Tân Hưng. Chị đã lập gia đình và hiện có một con gái 7 tuổi. Là người dân tộc Tày nhưng chị chưa bao giờ biết đến cây nỏ, chỉ nghe ông bà, cha mẹ kể lại về nghệ thuật bắn nỏ của cha ông ngày xưa sinh sống bằng nghề săn bắn thú rừng. Chị đến với môn thể thao bắn nỏ thật tình cờ, năm 2017, xã Tân Hưng tuyển chọn vận động viên bắn nỏ tham gia Liên hoan văn hóa – thể thao các DTTS huyện. Thấy chị thông minh, hoạt bát, học nhanh, hiểu nhanh nên mọi người động viên chị tham gia, chị đã tập bắn nỏ từ những động tác sơ đẳng: quỳ bắn, đứng bắn, luyện tập giữ nỏ thăng bằng, ngắm trúng mục tiêu… Càng tập càng đam mê, cùng với sự thông minh lại có tố chất nên chị tiến bộ từng ngày.
Chị Quý cho biết, bắn nỏ đòi hỏi vận động viên phải vững tâm lý, bình tĩnh, tập trung, mắt sáng, tay chắc để giương nỏ ngắm bắn chính xác mục tiêu. Vận động viên phải tập luyện thường xuyên để đôi tay khỏe có thể nâng nỏ cao và vững. Cách kéo dây nỏ cũng rất quan trọng, phải kéo từ từ để cánh cung cân bằng, đặt nỏ phải nhẹ nhàng. Tuy vậy, để trở thành một xạ thủ bắn nỏ cần phải có thời gian luyện tập kiên trì, bền bỉ. Hằng ngày, chị đến trường làm việc, ngày nghỉ chị cùng chồng làm cỏ điều, cạo mủ cao su, chăn nuôi gà, vịt, rồi lo chocon cái học hành nên thời gian luyện tập rất ít. Thế nhưng bù lại chị đam mê và luyện tập chăm chỉ. Nhờ vậy, trong các cuộc thi thể thao của huyện, tỉnh và toàn quốc, chị đều đạt giải cao, đem vinh quang về cho thể thao huyện. Năm 2017, ngay từ lần đầu tiên tham gia chị đã đoạt giải nhất môn bắn nỏ toàn năng tại Liên hoan văn hóa – thể thao các DTTS huyện Đồng Phú; đoạt huy chương đồng nội dung quỳ bắn, huy chương bạc nội dung bắn đồng đội nữ tại Liên hoan văn hóa – thể thao các DTTS tỉnh Bình Phước và huy chương bạc nội dung quỳ bắn tại hội thi thể thao các DTTS toàn quốc khu vực 2 tại Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tuy rất đam mê bắn nỏ nhưng đến nay chị vẫn chưa được sở hữu một cây nỏ cho riêng mình. Chị nói: Nỏ ở Bình Phước chủ yếu được người S’tiêng làm nên có cấu trúc khác với nỏ ở Cao Bằng, rất khó sử dụng. Tôi dự định khi có thời gian sẽ về Cao Bằng mua nỏ để thực hiện đam mê của mình là được gắn bó với môn thể thao này.
Nguồn Báo Bình Phước