Ngày 23-3, tuyên bố từ chức của bà Ameenah Gurib-Fakim, tổng thống đảo quốc Mauritius, sẽ chính thức có hiệu lực. Bà bị tố cáo dùng thẻ tín dụng bạch kim của nhà đầu tư nước ngoài cấp để mua sắm cá nhân.
Tiến sĩ hóa hữu cơ Ameenah Gurib-Fakim 59 tuổi đã từng du học ở Anh, được bầu làm tổng thống đảo quốc Mauritius từ tháng 6-2015. Ngày 17-3, bà đã gửi thư thông báo từ chức với lý do “bảo vệ lợi ích quốc gia”.
Tổ chức phi chính phủ quốc tế Planet Earth Institute (PEI) cấp cho bà một thẻ tín dụng bạch kim để bà thanh toán các khoản chi liên quan đến PEI với tư cách phó chủ tịch PEI. Tuy nhiên, bà đã dùng thẻ này mua sắm cá nhân, trong đó có nữ trang, giày hiệu.
Báo chí lên tiếng, chính phủ yêu cầu tổng thống từ chức
Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 28-2. Nhật báo L’Express công bố hồ sơ ngân hàng cho thấy năm 2016, Tổng thống Gurib-Fakim đã sử dụng thẻ tín dụng bạch kim được PEI cấp (ngân hàng Barclays phát hành) để mua sắm cá nhân.
Ngày 6-3, bà tiếp tục đặt câu hỏi vì động cơ gì mà thông tin bà xài thẻ được công bố ngay trước ngày nhà nước kỷ niệm 50 năm độc lập. Bà khẳng định lương tâm trong sáng và không làm gì sai trái.
Trong khi đó, hội đồng bộ trưởng đã tổ chức phiên họp đặc biệt và chính thức quyết định tổng thống phải từ chức.
Tối 8-3, Thủ tướng Pravind Jugnauth đến gặp tổng thống theo yêu cầu của bà. Bà thông báo chấp thuận từ chức. Hôm sau, hai bên gặp nhau và nhất trí ngày 15-3 tổng thống sẽ từ chức.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Pravind Jugnauth thông báo với báo chí: “Tổng thống đã thổ lộ với tôi bà ấy sẽ từ chức”.
Hành vi của bà tổng thống (quyết định thành lập ủy ban điều tra) đã vi phạm nghiêm trọng điều 64 Hiến pháp nước Cộng hòa Mauritius (vượt quyền hạn tổng thống)”
Thông cáo của Thủ tướng Pravind Jugnauth phát chiều ngày 16-3
Tổng thống hoàn trả lại tiền để gỡ gạc uy tín
Tối ngày 9-3, Tổng thống Gurib-Fakim lật kèo. Bà viết trên Twitter khẳng định không từ chức và cần điều tra sự thật. Bốn ngày sau, bà tổ chức tiệc sân vườn truyền thống trong dinh tổng thống. Không có thành viên chính phủ nào tham dự.
Ngày 14-3, văn phòng tổng thống chính thức phát thông cáo khẳng định tổng thống bác bỏ mọi viễn ảnh từ chức vì bà không làm điều gì sai trái và cần phải có chứng cứ xác thực.
Trong thông cáo, Tổng thống Gurib-Fakim giải thích bà có một thẻ tín dụng giống thẻ của PEI do cùng ngân hàng Barclays cấp và bà đã vô ý lấy nhầm thẻ của PEI chi tiêu ngoài công việc của PEI với số tiền khoảng 26.000 USD.
Sau khi biết đã vô ý sử dụng thẻ của PEI, bà đã báo ngay cho PEI và yêu cầu bản kê chi tiết của ngân hàng. Kế đó bà đã chuyển khoản trả lại các khoản chi riêng và kể cả các khoản chi cho hoạt động của PEI.
Phải lập ủy ban điều tra để làm rõ. Vụ này đã lên trang nhất báo chí quốc tế”.
Ông Jean Claude de l’Estrac, nguyên ngoại trưởng Mauritius
Quốc hội chuẩn bị quy trình phế truất
Ngày 15-3, tại cuộc họp báo, Thủ tướng Pravind Jugnauth đánh giá thái độ của bà Gurib-Fakim “rất tệ và không xứng đáng”. Ông đề nghị trình Quốc hội kiến nghị của chính phủ về thành lập tòa án đặc biệt để phế truất tổng thống.
Ngày 16-3, văn phòng tổng thống dấn thêm một bước, thông báo tổng thống quyết định sẽ thành lập ủy ban điều tra nhằm làm rõ vụ giao dịch thẻ của tổng thống.
Vài giờ sau, Thủ tướng Pravind Jugnauth “phản pháo”, tuyên bố quyết định thành lập ủy ban điều tra của tổng thống không có giá trị về pháp lý.
Sáng hôm sau, tuần báo Défi Plus của Mauritius đã đăng bài viết tiết lộ trong 5 tháng từ ngày 23-9-2016 đến 23-2-2017, tổng thống đã dùng thẻ của PEI chi đến 75.000 USD cho 63 lượt thanh toán ở 14 nước, tức gấp nhiều lần số tiền bà thừa nhận.
Chiều cùng ngày, bà Gurib-Fakim gửi thư cho chủ tịch Quốc hội thông báo quyết định từ chức.
Ai trải thảm đỏ rước doanh nhân mờ ám?
Sự kiện Tổng thống Gurib-Fakim từ chức có liên quan đến PEI và doanh nhân Alvaro Sobrinho người Angola. PEI đặt trụ sở chính ở London (Anh) và văn phòng khu vực ở Luanda (Angola), được thành lập với danh nghĩa giúp châu Phi tự chủ về khoa học.
Năm 2014, tòa án Bồ Đào Nha đã từng truy tố ông Alvaro Sobrinho về tội trốn thuế và rửa tiền. Ấy vậy mà khi ông này thành lập PEI tại Mauritius vào tháng 11-2015, nữ Tổng thống Gurib-Fakim vẫn ủng hộ hết mình. Bà còn được PEI bổ nhiệm chức phó chủ tịch PEI.
Sự kiện bà Gurib-Fakim từ chức không hẳn đã kết thúc vấn đề. Các đảng đối lập cho rằng bà từ chức để tránh bị phế truất, do đó họ đề nghị thành lập ủy ban điều tra để làm rõ mối quan hệ giữa bà với doanh nhân Alvaro.
Nghị sĩ độc lập Kavi Ramano đặt vấn đề: “Ai trải thảm đỏ rước Alvaro Sobrinho? Nhân dân có quyền biết mọi thứ về vụ Alvarro Sobrinho”.
Chủ tịch đảng Lao động Patrick Assirvaden tuyên bố: “Người dân muốn biết ai thụ hưởng nhà nghỉ dưỡng, xe cộ, các chuyến du lịch và làm thế nào Alvaro Sobrinho lại được tiếp đãi như khách VIP?”.
Nguồn: tuoitre.vn