“Lần nào ăn xong là anh chị lại giúi vào tay chúng tôi vài trăm đồng để tiêu tết. Có năm anh Vũ lén lúc chị Quỳnh xuống bếp giúi vào tay chúng tôi tiền, rồi lúc sau về chị Quỳnh lại chạy xuống cho mỗi đứa thêm vài trăm đồng nữa”, NSND Hoàng Dũng kể.

Cơ duyên nào đưa anh trở thành người em thân thiết của cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ?

Lần đầu tiên tôi gặp anh Vũ là năm 1981, khi tôi mới 24 tuổi, mới về công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội vài năm. Anh Vũ cùng đạo diễn, NSND Nguyễn Đình Nghi vào nhà hát để bàn bạc dựng vở “Cô gái đội mũ nồi xám” do anh viết.

Lúc nhìn thấy tôi, anh Vũ liền nói với chú Nghi: “Em thích thằng cu này nhìn mặt nó thông minh anh nhỉ?”. Sau đó, anh Vũ hỏi tôi đã đọc kịch bản của anh chưa, có thích không, thích đóng vai nào.

Thật lòng, lúc đó tôi chưa dám mơ mình sẽ được đóng vai chính nên chỉ thật thà nói thích một vai phụ. Anh Vũ cười bảo: “Sao chú không thích đóng vai chính, vai Nhật mà lại thích vai phụ?”.

Thật bất ngờ, khi công bố danh sách tham gia vở, tôi được phân công đóng vai Nhật ở kíp 2. Vai Nhật là nhân vật trung tâm của vở. Đóng kíp 2 hiếm có cơ hội lên sân khấu trừ khi các anh chị ở kíp 1 bận nhưng với tôi thế cũng đủ hạnh phúc lắm rồi. Chúng tôi, những diễn viên ở kíp 2 lặng lẽ ngồi xem các anh chị kíp 1 tập vở.

Ký ức về vợ chồng cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn còn vẹn nguyên trong NSND Hoàng Dũng.

Ký ức về vợ chồng cố nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh vẫn còn vẹn nguyên trong NSND Hoàng Dũng.

Bỗng một ngày đẹp trời tôi được chú Nghi gọi lên hỏi có theo dõi vai diễn và có thuộc lời của nhân vật Nhật không? May mắn, tôi được trời phú cho khả năng thuộc lời rất nhanh nên khi xem diễn viên tập vai Nhật tôi đã nhớ từng lời thoại.

Tôi được lên sàn diễn thử. Diễn xong anh Vũ cười rất vui còn chú Nghi nhìn tôi và chẳng biểu cảm gì… Bất ngờ hơn nữa, hôm sau tôi được chính thức giao vai Nhật. Lúc đó, tôi run bắn lên, chẳng nghĩ cơ hội lại đến với mình nhanh như thế.

Ngay sau khi dàn dựng, “Cô gái đội mũ nồi xám” đã dự Liên hoan sân khấu đề tài chính trị tại Nhà hát Lớn Hà Nội và thành một trong những vở diễn làm say lòng khán giả trong giai đoạn những năm 80 của thế kỷ XX. Khi đó tờ báo Độc Lập viết về vở diễn có nhắc tới tôi ở một khổ riêng với nhiều lời khen ngợi khiến tôi cảm thấy vui nhưng cũng có chút xấu hổ.

Tôi lặng lẽ mua báo về đọc nhưng chẳng dám khoe với ai ngoài những người trong gia đình. Nhưng khi gặp anh Vũ thì anh ấy đã đọc bài báo đó rồi. Anh Vũ bảo rằng, tôi cần phấn đấu xứng đáng với lời khen đó nhiều hơn.

Sau lần đó, mối quan hệ của anh với gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh có đặc biệt hơn?

Sau vở kịch “Cô gái đội mũ nồi xám” tôi còn được đóng rất nhiều vai chính ở kịch của anh Vũ như: “Quyền hạnh phúc”, “Nguồn sáng trong đời”, “Hẹn ngày trở lại”, “Khoảnh khắc vô tận”… Huy chương Vàng đầu tiên trong cuộc đời nghệ thuật của tôi là vai Phó Giám đốc Chính trong vở “Tôi và chúng ta” của anh Vũ tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985.

Có thể nói, từ sau vở diễn đầu tiên, mối quan hệ của tôi và gia đình anh Vũ, chị Quỳnh gắn bó thân thiết hơn. Anh Vũ như một “bà đỡ” có tâm trên con đường nghệ thuật của tôi. Những vở anh dàn dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội cũng như trên truyền hình có tôi tham gia, anh thường dành cho tôi “đặc ân” riêng giống như tôi “ăn vạ” anh vậy.

Mỗi khi xem kịch của anh Vũ, tôi thường nghiên cứu và đề đạt anh lại viết thêm tình tiết cho nhân vật của tôi đầy đặn hơn. Cái “đặc ân” ấy có lẽ vì anh cảm nhận được lòng yêu nghề, khao khát được làm nghề của tôi.

Tôi vẫn nhớ như in những lời anh nói về tôi với chị Quỳnh: “Cái thằng này nó yêu nghề và trăn trở lắm, mới đưa kịch bản một vài hôm nó đã nghiên cứu rất kĩ cho vai diễn nên viết thêm cho nó có cảm xúc diễn tốt hơn”.

Những năm tháng gắn bó với vợ chồng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ – nhà thơ Xuân Quỳnh, anh có những kỷ niệm gì đáng nhớ?

Bố mẹ tôi mất sớm, tôi sống cùng anh trai. Tình hình kinh tế của cả nước trong những thập niên 80 vô cùng khó khăn, đối với những diễn viên trẻ như tôi lại càng khó khăn.

Tôi cùng bạn diễn Minh Trang thường được vợ chồng anh Vũ kéo lên ăn tất niên cuối năm cùng gia đình họ. Minh Trang lúc ấy cũng chỉ có một mình ở Hà Nội. Trước khi họ mất 5 năm thì tết nào chúng tôi cũng đều đặn được nhận “đặc ân” này. Những bữa cơm trong tình thương của anh chị đã nuôi ngọn lửa nghệ thuật yêu nghề của chúng tôi.

Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời NSND Hoàng Dũng dàn dựng lại vở kịch Nguồn sáng trong đời của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời NSND Hoàng Dũng dàn dựng lại vở kịch “Nguồn sáng trong đời” của cố tác giả Lưu Quang Vũ.

Lần nào ăn xong là anh chị lại dúi vào tay chúng tôi vài trăm đồng để tiêu tết. Có năm anh Vũ lén lúc chị Quỳnh xuống bếp giúi vào tay chúng tôi tiền, rồi lúc sau về chị Quỳnh lại chạy xuống cho mỗi đứa thêm vài trăm đồng nữa.

Tình cảm của anh chị đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn vất vả của con đường nghệ thuật và cảm thấy đỡ tủi thân khi thiếu vắng những cái tết sum vầy, đầm ấm gia đình…

Anh Vũ, chị Quỳnh và chúng tôi đều đã sống trong một thời kỳ khó khăn, trong cái khó khăn chung của đất nước. Anh chị cũng không hề dư dả nhưng trong con người anh chị đó là sự vĩ đại, nhân ái, đó là lý do họ sẵn sàng chia sẻ miếng cơm, chia sẻ những phút giây đầm ấm sum vầy cho những diễn viên trẻ như tôi và Minh Trang thời ấy.

Giờ đây, có được cuộc sống sung túc trong ngôi nhà trang khang cùng hai người con trai trưởng thành nhưng trong lòng tôi không khỏi xúc động khi hồi tưởng lại quá khứ, khi nhớ về anh Vũ, chị Quỳnh.

Bên nỗi nhớ về những cảm xúc thăng hoa trong từng vai diễn ở kịch của anh Vũ là nỗi nhớ nụ cười, ánh mắt thân thương và sự đầm ấm của bữa cơm tất niên đầy tình người của anh chị.

Ký ức của anh như thế nào về sự ra đi của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ trong vụ tai nạn thảm khốc 30 năm trước?

Đó là một ký ức bàng hoàng và hụt hẫng mà đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được. Tôi còn nhớ, cả buổi chiều ngày 29/8 hôm đó, chúng tôi thẫn thờ như người mất hồn. Ai cũng như đứng trên đống lửa, ngồi trên đống rơm vì không được xuống Hải Dương để đón anh chị về.

Và khi nghe tin anh chị cùng cháu Lưu Quỳnh Thơ được đưa về nhà tang lễ bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã òa vào trong nhà tang lễ, ai cũng xót xa, đau đớn. Phải nói rằng, lúc đó, không khí tang thương bao trùm lên khắp nơi, nhất là đối với giới sân khấu – văn nghệ sĩ.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Theo Dân Trí

Từ khóa : lưu quang vũ xuân quỳnhNhà viết kịch Lưu Quang VũNSND Hoàng Dũng

Các tin liên quan đến bài viết