Ở Bình Phước, xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp, làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, thực tế sau 5 năm thực hiện cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục trong giai đoạn tiếp theo nếu muốn thực hiện hiệu quả chương trình, nhất là chỉ tiêu đặt ra trong năm 2017 là 12 xã về đích.
NỢ ĐỌNG NTM 107 TỶ ĐỒNG
Trong đợt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách NTM của 12 xã thuộc khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ vào ngày 8-12-2016 tại Bình Phước, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương đã nêu ra 10 hạn chế mà các địa phương mắc phải trong 5 năm thực hiện NTM. Đó là, nhiều địa phương chưa chú trọng thực hiện đúng các nội dung ở cấp thôn và hộ gia đình; xác định mục tiêu khi bắt đầu chương trình còn mang tính bình quân, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn; chưa chú trọng đến hoạt động duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình sau đầu tư; hướng dẫn các tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện đặc thù ở những vùng khó khăn, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng dẫn đến lãng phí, sử dụng chưa hiệu quả.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước bố trí hằng năm, nhất là giai đoạn 2011-2013 còn thấp, chưa phù hợp với mục tiêu, trong khi việc thanh quyết toán còn phức tạp. Một số cấp ủy, cơ quan điều phối và người dân chưa nhận thức được đầy đủ vai trò, ý nghĩa của chương trình, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên. Nhiều địa phương chạy theo thành tích dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản, thậm chí một số ít địa phương huy động quá sức người dân, việc xem xét công nhận đạt chuẩn còn xuê xoa, thiếu nghiêm túc. Hiện nợ đọng xây dựng NTM của 53/63 tỉnh, thành trong cả nước là 15.277 tỷ đồng.
Bình Phước là tỉnh rất quyết liệt trong thực hiện NTM với 233 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả; bê tông hóa hơn 520km đường giao thông nông thôn; nhiều ngôi trường được xây mới, sửa chữa; gần 6.000 người có việc làm thông qua 200 khóa đào tạo nghề… Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 15 xã đạt chuẩn NTM. Tuy đạt kết quả khả quan nhưng trong quá trình thực hiện tỉnh cũng không ngoại lệ và có nhiều vấn đề phát sinh. Tạm tính đến tháng 10-2016, toàn tỉnh nợ đọng NTM 107 tỷ đồng, riêng 12 xã về đích NTM năm 2016 là trên 51 tỷ đồng.
CẦN NHÌN THẲNG VÀO THỰC TIỄN
Trong quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số xã lựa chọn các nội dung thực hiện chưa sát tình hình, trong khi mật độ dân cư trên địa bàn phân tán, đời sống người dân còn thấp. Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn huy động đạt 11.992 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 171,325 tỷ đồng, doanh nghiệp 93,529 tỷ đồng. Mặt khác, người dân khó tiếp cận nguồn vốn và định mức cho vay tín chấp thấp, lại phải thế chấp tài sản nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất. Chưa kể đến kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất hằng năm thấp, trong khi nhu cầu để tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với phát triển NTM của tỉnh là rất lớn. Một số hợp tác xã, tổ hợp tác ở các xã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Là thành viên tổ hợp tác trồng rau ở ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương (Bình Long), anh Hoàng Thanh Tùng cho biết: Từ khi tổ hợp tác thành lập đến nay, các thành viên ít được sinh hoạt nên việc chia sẻ kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế. Tổ cũng không tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm nên mỗi thành viên phải tự thân vận động. “Việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật cho người dân còn nặng về lý thuyết. Người dân rất cần những mô hình thực tiễn, ứng dụng được vào thực tế sản xuất” – ông Nguyễn Văn Lễ, Chủ tịch UBND xã Thanh Phú (Bình Long) nói.
Ngoài ra, các tiêu chí cơ sở hạ tầng đạt thấp do trong quá trình thực hiện một số nơi quá chú trọng xây dựng trụ sở mà chưa quan tâm đến những công trình người dân hưởng thụ, như đường giao thông, trường học… Năm 2014, kinh phí bố trí xây dựng trường học là 3,345 tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa 0,56 tỷ đồng…, nhưng kinh phí xây dựng trụ sở UBND xã là 2,447 tỷ đồng. Những hạn chế này đã được khắc phục kịp thời trong năm 2015, đó là kinh phí xây dựng giao thông tăng lên 38,36 tỷ đồng, trường học 10,77 tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa 0,05 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí xây dựng trụ sở UBND xã cũng nâng lên 3,82 tỷ đồng.
Một khó khăn nữa đặt ra khi thực hiện NTM ở Bình Phước là vốn ngân sách hỗ trợ chưa đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND. Qua 5 năm tỉnh mới phân bổ được 160 tỷ đồng nhưng giải ngân chậm. 20 xã chỉ đạo điểm giai đoạn 2011-2015 mặc dù được Ban chỉ đạo NTM tỉnh quan tâm ưu tiên hỗ trợ các nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương, tỉnh nhưng tổng vốn được hỗ trợ hằng năm còn rất thấp so với nhu cầu của các xã.
Tại buổi họp Ban chỉ đạo xây dựng NTM ngày 28-11-2016 ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Dự kiến 12 xã về đích năm 2017 có số tiêu chí đạt không cao, bình quân 13,42 tiêu chí/xã trong khi phải áp dụng bộ tiêu chí mới gồm 19 tiêu chí nhưng có 49 chỉ tiêu nên nhu cầu cần rất nhiều vốn. Năm 2017, sẽ tập trung giải quyết, tháo gỡ các tiêu chí khó như: giao thông, trường học,… Ưu tiên bố trí vốn đầu tư tập trung cho các công trình này như: điều chỉnh 80% vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng NTM; điều chỉnh tăng mức ngân sách xây dựng cơ bản do tỉnh quản lý cho NTM từ 100-150 tỷ đồng/năm. Đồng thời, thành lập các phòng chuyên môn thuộc Văn phòng điều phối NTM tỉnh, bố trí công chức chuyên trách cho văn phòng điều phối NTM cấp huyện, kiện toàn ban quản lý đề án NTM cấp xã.
Nguồn: BPO