Cứ tưởng ‘Tình khúc Bạch Dương’ sẽ cho thấy phần cuộc sống của du học sinh và người lao động Việt bên Nga, nhưng thực chất chỉ là chuyện tình yêu tay ba, tay tư.
Đã có một thời kì đặc sản của truyền hình phía Bắc là những bộ phim chính luận đề tài gai góc về nông thôn, chính trị, hình sự… như Ma làng, Gió làng Kình, Bí thư tỉnh ủy, Cảnh sát hình sự…
Nhưng giờ tình hình đã khác, những bộ phim truyền hình ăn khách trong vòng hai, ba năm nay trở lại đây chủ yếu là đề tài hôn nhân, tình yêu hướng tới khán giả trẻ.
Các bộ phim như Mưa bóng mây, Tuổi thanh xuân, Hôn nhân trong ngõ hẹp… đã hâm nóng lại phim truyền hình sau một thời gian dài bị game show, truyền hình thực tế lấn át.
Khi những dự án trên thắng lợi, dễ nhận thấy nhà sản xuất có xu hướng tiến tới “thâm canh”. Những bộ phim được phát sóng sau đó như Tuổi thanh xuân 2, Đi qua mùa hạ, Hoa cỏ may, Zippo, Mù Tạt và Em, Sống chung với mẹ chồng, Ngược chiều nước mắt, Ghét thì yêu thôi, Tình khúc Bạch Dương… đều chủ yếu đề cập đến đời sống tình cảm của giới trẻ.
Phim được quảng cáo là phản ánh cuộc sống của du học sinh và người lao động Việt tại Nga như Tình khúc Bạch Dương, khi xem khán giả mới biết bối cảnh chỉ là cái nền còn cốt lõi vẫn là câu chuyện tình tay ba, tay tư giữa các nhân vật.
Nhiều gương mặt diễn viên trẻ như Việt Anh, Hồng Đăng, Mạnh Trường, Bình An, Anh Tuấn, Nhã Phương, Huyền Lizzie… được “thâm canh” liên tục, đến mức bật kênh nào cũng thấy họ.
Khoảng thời gian chiếu Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Cư dân thông thái,khán giả có thể thấy nguyên dàn diễn viên Việt Anh, Thanh Quý, Bảo Thanh, Thanh Hương đi lại trong ba bộ phim.
Không thể phủ nhận thời quan truyền hình phía Bắc đã rất nỗ lực đem lại những sản phẩm chất lượng. Hầu hết các bộ phim được đầu tư rất kĩ càng về diễn viên, bối cảnh, trang phục, máy quay 4K không thua kém gì điện ảnh.
Nhưng ở khía cạnh kịch bản, dễ nhận thấy nhà sản xuất đang đi theo hướng an toàn, thuận lợi nhất cho sản xuất.
Nhà sản xuất không còn đầu tư nhiều cho đề tài chính luận, nông thôn, mà tập trung khai thác những câu chuyện tình yêu với bối cảnh ở đô thị sẽ đỡ mất sức và đưa vào sản xuất cũng dễ dàng hơn.
Không khó để nhận thấy kịch bản chính luận kiểu Bí thư tỉnh ủy, Lựa chọn cuối cùng, Khi đàn chim trở về ngày càng khan hiếm.
Kiểu kịch bản hình sự kịch tính, gay cấn như Người phán xử thì buộc phải mua bản quyền từ nước ngoài về để làm lại, chứ trong nước ít có biên kịch nào làm được. Những kịch bản gốc đề tài gia đình hay và có chiều sâu như Chiều ngang qua phố cũ lâu lắm mới có một bộ.
Một số bộ phim lấy bối cảnh thời xưa như Trò đời, Thương nhớ ở ai hiện nay dễ khiến nhà sản xuất ngại. Như Thương nhớ ở ai dù đã làm xong từ ba năm trước, các diễn viên trong phim đã kịp lấy chồng sinh con, nhưng phải ba năm sau mới có thể ra mắt vì phần hậu kì làm giả bối cảnh quá tốn công sức.
Đạo diễn Thanh Vân, Nhuệ Giang từng làm Lều chõng, Trò đời dù rất muốn chuyển thể tiếp các tác phẩm văn học 1930 – 1945 để làm phim nhưng cũng không dám tin tưởng sẽ có nhà sản xuất muốn đầu tư.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chuyên trị các bộ phim về nông thôn giờ cũng đi làm các dự án khác, không còn hứng thú với phim truyền hình, vì cũng không nhìn thấy cơ hội nào.
Tuổi Trẻ Online trao đổi với đạo diễn Quốc Trọng, người “chuyên trị” phim truyền hình chính luận, ông cho biết đang ấp ủ chuyển thể một tiểu thuyết, hai truyện ngắn nói về thời bao cấp để làm phim. Nhưng ông cũng không biết liệu có được cơ hội để làm hay không.
Là thành viên chấm phim truyền hình tại Cánh diều 2018, đạo diễn này cho biết trong 16 phim dự thi chỉ có một, hai phim về nông thôn. Còn lại phần lớn là phim về đô thị, phim tình yêu, hình sự…
“Có lẽ vì các cơ sở sản xuất đều thấy các đề tài đó có thể câu khách và thu quảng cáo, phù hợp với tiêu chí làm cho nhanh, thu cho nhiều bây giờ”, đạo diễn Quốc Trọng nói.
Hỏi đạo diễn này vì sao đề tài nông thôn mới có bao nhiêu câu chuyện để khai thác, nhưng vì sao không đơn vị nào sản xuất. Quốc Trọng cho biết nếu các cơ sở sản xuất thực sự muốn đầu tư và tổ chức một đội viết kịch bản thì cũng có thể làm được.
Nhưng khi không có đầu tư thì sẽ không ai làm, vì phần lớn các biên kịch bây giờ trải nghiệm cuộc sống đô thị nhiều hơn sẽ thiên viết về cuộc sống đô thị.
“Hơn nữa làm phim về nông thôn, về thời xưa sẽ phải mất rất nhiều công nghiên cứu, không nhiều người muốn làm đâu, nói thẳng là nhiều người lười”, đạo diễn Quốc Trọng nói.
Giữa vô vàn bộ phim tình yêu tay ba, tay tư, phim Thương nhớ ở ai về thời bao cấp lại trở thành “đặc sản”. Nhưng sau bộ phim này, nhiều người cũng cho rằng sẽ còn phải chờ rất lâu mới có phim tương tự.
Nguồn: tuoitre.vn