Việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày càng tăng, thời tiết khô hạn kéo dài như hiện nay.
ĐỒNG HÀNH VỚI NHÀ NÔNG
Việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên nước có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh, nhất là do biến đổi khí hậu, nhiệt độ ngày càng tăng, thời tiết khô hạn kéo dài như hiện nay. Điều đáng mừng là nhờ chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nước hiệu quả, các công trình thủy lợi đang góp phần quan trọng “giải hạn” cho hàng ngàn héc ta lúa, hoa màu, cây ăn trái của nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 hồ, đập với trữ lượng nước 95 triệu mét khối. Ngoài cung cấp nước phục vụ tưới tiêu cây trồng, các hồ, đập này còn phải đảm bảo nguồn nước cho 2 nhà máy cấp thoát nước thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long và 5 nhà máy cấp nước thuộc 5 thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có 14 công trình cấp nước sạch tập trung, phục vụ 4.000 khách hàng với trên 22 ngàn dân do Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý.
ĐIỀU TIẾT NGUỒN NƯỚC HỢP LÝ
Hiện nay, Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước quản lý, khai thác 55 công trình, gồm 47 hồ chứa, 6 đập dâng, 1 trạm bơm tưới và hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn. Đến nay, khoảng 70% hồ chứa đang có trên 50% lượng nước sử dụng được. Nguồn nước thủy lợi đang ưu tiên phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cây ăn trái; dự kiến nguồn nước sẽ được cung cấp đầy đủ cho đến cuối tháng 5 – thời điểm kết thúc mùa khô năm 2020.
Mùa khô năm nay đến sớm hơn mọi năm, lượng mưa theo đó cũng ngắt sớm, khiến nhiều hồ, đập trên địa bàn tỉnh chưa đủ thời gian để tích nước. Do đó, đến thời điểm này, chỉ còn 70% số hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang có trên 50% dung tích nước. Việc chủ động điều tiết nguồn nước được ngành nông nghiệp tỉnh thực hiện ngay từ đầu mùa khô.
Hồ Rừng Cấm ngoài điều tiết nước cho 3 đập dâng để phục vụ tưới tiêu còn có nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho 1.050 hộ dân khu vực trung tâm huyện Lộc Ninh
Huyện Lộc Ninh có 20 công trình thủy lợi lớn, nhỏ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 2.000 ha cây trồng. Một trong những hồ thủy lợi phát huy hiệu quả nhất là hồ Rừng Cấm thuộc địa phận thị trấn Lộc Ninh và xã Lộc Tấn. Ngoài cung cấp nước sạch cho 1.050 hộ dân khu vực trung tâm huyện Lộc Ninh, hồ Rừng Cấm còn có nhiệm vụ điều tiết nước cho 3 đập dâng để cấp nước tưới cho 500 ha cây công nghiệp, cây ăn trái, cây lúa và hoa màu cho người dân các xã Lộc Thái, Lộc Hưng, Lộc Điền, Lộc Khánh.
Anh Trần Thế Anh, Trạm trưởng Trạm dịch vụ thủy lợi huyện Lộc Ninh cho biết: “Mực nước trong các hồ chứa còn sử dụng được 50%. Hiện lúa và hoa màu của người dân đã được thu hoạch, chúng tôi khuyến cáo người dân không xuống giống vào thời điểm này. Thay vào đó, nước ưu tiên phục vụ sinh hoạt của người dân và tưới cây ăn trái, cây công nghiệp”.
Tại huyện Bù Đốp, hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn đang được xem là “quả cầu nước” giải khát giữa mùa khô hạn. Hiện hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn có khoảng 18km kênh chính và 43km kênh nhánh đang phục vụ tưới 160 ha lúa mỗi vụ và 320 ha cây công nghiệp, cây ăn trái trên địa bàn huyện. Ngoài ra, công trình này còn cung cấp nước cho Nhà máy nước sạch tập trung thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp. Công trình nước sạch đang cung cấp nước sinh hoạt thường xuyên cho 120 hộ dân. Bên cạnh đó, công trình thủy lợi sau Cần Đơn còn góp phần quan trọng trong việc bổ sung nguồn nước cho hàng ngàn giếng đào, giếng khoan trên địa bàn huyện Bù Đốp.
Chị Phạm Thị Thoa ở khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp chia sẻ: “Hiện giếng khoan của gia đình đã hết nước nên chuyển qua dùng nước sạch. Gia đình tôi kinh doanh quán ăn, mỗi tháng sử dụng trên 20m3 nước. Sau gần 1 năm sử dụng, thấy nguồn nước ở đây ổn định, lúc nào nước cũng được bơm đầy đủ, rất thuận tiện cho người dân, nhất là trong thời điểm khô hạn”.
VẪN LÀ NHẤT NƯỚC…
Cánh đồng lúa xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp có diện tích 56 ha. Do thiếu nước, trước đây mỗi năm người dân chỉ trồng được 1 vụ, năng suất tùy thuộc vào thời tiết. Từ ngày hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn hoạt động, nguồn nước chủ động, cánh đồng lúa xanh tốt quanh năm, người dân đã xuống giống 1 năm 3 vụ, khu vực nước nhiều có thể thâm canh 4 vụ. Anh Lê Tấn Bình ở ấp 6, xã Thanh Hòa cho biết: “Gia đình có 2 ha canh tác lúa, trước đây không chủ động được nguồn nước, gia đình tôi đang tính bỏ hoang. Từ khi có hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn, nguồn nước cung cấp đầy đủ, được Nhà nước hỗ trợ miễn phí, mỗi năm gia đình tôi xuống giống 3 vụ, năng suất trung bình 7 tấn/ha, gấp 3 lần so với trước đây”.
Nhờ được cung cấp nước đầy đủ từ đập dâng Tôn Lê Chàm, cánh đồng lúa rộng 78 ha của Hợp tác xã Hưng Thành (xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh) hiện có thửa ruộng mới sạ, có nơi đang ngậm đòng, chỗ thì trĩu bông đã ngả màu vàng chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Ngô Xuân Tùng, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Hiện nay, hợp tác xã có 126 hộ tham gia sản xuất cây lúa nước. Từ khi nước thủy lợi đưa về đồng, các tuyến kênh, mương nội đồng hoàn thiện thì xã viên sản xuất 1 năm 3 vụ, năng suất trung bình 6-7 tấn/ha. Gia đình tôi với 1,5 ha, năm nay sản xuất 3 vụ, năng suất trung bình khoảng 7 tấn/ha. Từ 1,5 ha lúa, cả năm gia đình tôi thu trên 31 tấn thóc. Với giá bán 7.000 đồng/kg, gia đình thu trên 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng.
Ngoài tưới cho cây lúa, hoa màu, nguồn nước từ các hồ thủy lợi đang giải hạn cho hàng ngàn héc ta cây ăn trái, nhất là quýt đường. Gia đình anh Nguyễn Hữu Nghĩa ở ấp 7, xã Lộc Hưng có hơn 2,5 ha cây quýt đường. Từ đầu mùa khô đến nay, vườn quýt của gia đình anh phát triển tốt là nhờ nguồn nước từ hồ Rừng Cấm. Anh Nghĩa cho biết: Khu vực này thổ nhưỡng phù hợp với trồng quýt đường. Tuy nhiên, do mực nước ngầm thấp và hạn chế vào mùa khô nên phải trông chờ vào nguồn nước thủy lợi. Nếu không được tiếp nước thì chỉ 1 tuần là 40 tấn quýt của gia đình tôi rụng hết, thiệt hại tiền tỷ.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước, đến cuối tháng 3-2020, các công trình thủy lợi đã hoàn thành việc phục vụ tưới tiêu cho vụ lúa đông xuân và xuân hè với diện tích trên 2.500 ha. Qua khảo sát, năng suất lúa vụ mùa khô năm nay đạt bình quân 7 tấn/ha. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là trong điều kiện giá các mặt hàng nông sản giảm mạnh. Hiện nay, công ty đang tập trung phục vụ tưới tiêu cho 2.900 ha cây ăn trái, cây công nghiệp và rau màu trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Đình Thuần, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ thủy lợi Bình Phước cho biết: Với tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng tăng nhanh, thời gian tới, nước chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng của người dân. Thời gian tới, các huyện, thị xã, thành phố cần bố trí nguồn kinh phí ưu tiên đầu tư một số công trình hồ đập tích trữ nguồn nước mới. Ngoài ra, tiếp tục đầu tư, nâng cấp phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đang có. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, phục vụ sự phát triển nhanh và bền vững của địa phương.
Theo Báo Bình Phước