“Tôi là thành viên nhưng từ đầu mùa đến nay đã giới thiệu bán được 200 tấn phân cho hợp tác xã (HTX) có đòi đồng hoa hồng nào đâu! Nhiều việc không tên của HTX làm cho mình không còn thời gian để chăm sóc vườn tiêu. Nhiều lúc vợ con cằn nhằn nên tôi phải xin ra khỏi ban quản trị, chỉ làm cố vấn cho mấy ổng thôi” – nhà nông Lê Quang Cường, thành viên HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước cho biết.
>>Nông dân vững tin với hồ tiêu – Bài 1
ĐÍCH ĐẾN BỀN VỮNG ĐANG Ở ĐÂU?
Kết thúc mùa vụ năm nay, 2,5 sào tiêu của gia đình ông Điểu Tâm ở thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) cho 2,5 tấn. Đã gần 1 tháng kể từ ngày thu hoạch, gia đình ông vẫn chưa bán được kilôgam nào. Đơn giản là giá tiêu năm nay thấp hơn ½ giá năm ngoái nên gia đình ông đưa tiêu vào kho chờ giá phục hồi. Ông Lê Quang Cường có 4.000 nọc tiêu, trong đó 2.500 nọc đang cho thu hoạch với năng suất bình quân 4kg/nọc. Vụ tiêu năm nay gia đình ông thu khoảng 10 tấn, đã bán 5 tấn cho Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice với giá từ 96-110 ngàn đồng/kg, 5 tấn còn lại trữ chờ giá tăng. Ông Phạm Văn Lý ở thôn 5, xã Hưng Phước (Bù Đốp) có 4 ha hồ tiêu. Vụ mùa năm nay, gia đình ông thu 17 tấn, 10 tấn đã bán, 7 tấn còn lại ký gửi cho Công ty Nedspice với giá 91 ngàn đồng/kg nhưng chỉ được thanh toán 2/3 số tiền. Cả xã Hưng Phước gần như nhà nào cũng trữ tiêu chờ giá tăng cho dù phải đi vay vốn ngân hàng để trang trải cuộc sống. Ông Bùi Quốc Hai, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước lý giải: Những năm trước, giá tiêu cao đến 200 ngàn đồng/kg, năm nay chỉ quanh mức 100 ngàn đồng/kg nên nhiều hộ trữ tiêu chờ giá lên. Ai ngờ thị trường giá hồ tiêu rơi xuống dưới 80 ngàn đồng/kg khiến nông dân rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Theo ước tính của HTX, toàn xã hiện còn tồn đọng khoảng 100 tấn tiêu.
Nhân viên bán hàng của Hợp tác xã sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước được hưởng lương theo doanh số bán hàng
Không chờ đợi sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước, người trồng tiêu ở Bù Đốp đã chủ động đầu tư, ứng dụng khoa học – kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất và hướng đến sản phẩm đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường. Thế nhưng, thị trường tiêu thụ tiêu sạch lại không khác gì tiêu chưa sạch. Ngay cả nông hộ đã có cam kết với công ty bao tiêu sản phẩm nhưng vẫn chưa thể tìm được đầu ra ổn định.
CẦN ĐÒN BẨY KỊP THỜI
Ban quản trị HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước có 11 người đang làm việc không lương kể từ ngày thành lập đến nay. Hiện đã có ít nhất 2 người trong ban quản trị xin từ chức để lo việc gia đình. Khi thành lập, HTX đăng ký vốn điều lệ 3,3 tỷ đồng, mỗi thành viên tham gia phải đóng tối thiểu 30 triệu đồng. Tổng vốn của HTX đã góp được 2,6 tỷ đồng. Chi mua đất, xây dựng kho bãi… hết 2,3 tỷ đồng. Để có vốn mua vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ nhu cầu sản xuất của thành viên, ban quản trị phải vận động thành viên góp thêm vốn. Ngoài 300 triệu đồng góp vốn cho HTX, ông Bùi Quốc Hai còn cho HTX mượn sổ đất của gia đình để vay vốn mở cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp. Mặc dù HTX chưa phát sinh lợi nhuận nhưng phải đóng thuế môn bài hơn 2 triệu đồng/năm. “Chúng tôi là nông dân nên không có kinh nghiệm trong kinh doanh. Các đại lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lâu năm lấy sản phẩm cùng giá nhưng không hiểu sao họ lại bán giá thấp hơn. Có những sản phẩm chúng tôi chấp nhận không lãi, thậm chí chấp nhận lỗ tiền công vận chuyển nhưng tính ra giá bán lại cao hơn các đại lý khác. Mặt khác, các công ty, đơn vị cung ứng sản phẩm lại không cho gối đầu nên việc kinh doanh của HTX càng khó khăn hơn” – ông Hai cho hay.
Để HTX đi vào hoạt động ổn định, trước mắt ban quản trị phải trích lợi nhuận từ cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trả lương cho kế toán, bốc vác và tài xế theo hướng ăn chia sản phẩm. Còn mọi thành viên trong ban quản trị đều làm việc bằng lương tâm và trách nhiệm với HTX. Từ khi tiêu rớt giá, nhiều thành viên không còn mặn mà với HTX. Các khoản đầu tư phân bón, thuốc chăm sóc hồ tiêu cũng bị cắt giảm để tiết kiệm cho chi phí sản xuất. Việc kinh doanh của cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp HTX càng khó khăn. Biết là vậy nhưng chúng tôi vẫn phải làm, phải tin vào mình, tin vào hướng đi của HTX” – ông Lê Văn Phương, thư ký HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước khẳng định.
Thực tế trên cho thấy, mục tiêu của HTX sản xuất tiêu sạch bền vững Hưng Phước nói riêng và các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung không vì lợi nhuận trong việc kinh doanh phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật mà hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững. Đây cũng là cách giúp các mặt hàng nông sản nâng cao chất lượng, giảm giá thành trong sản xuất để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Do vậy, việc tiếp sức hay nói cách khác là tạo đòn bẩy cho HTX nông nghiệp từ các cấp và ngành chức năng là điều cấp thiết nhất hiện nay.
Nguồn Báo Bình Phước