Đây là tin vui cho người trồng điều Bình Phước từ trước đến nay chưa được hưởng ưu đãi gì từ chính sách của nhà nước như lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, cà phê ở Tây Nguyên, mặc dù cây điều Bình Phước hàng chục năm nay luôn giữ vững những cái nhất: diện tích lớn nhất cả nước; năng suất cao nhất; chắc hạt và thơm ngon nhất thế giới.

Ngày 3-11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) đã có Công văn số 9316/TB-BNN-VP đồng ý với kiến nghị của Bình Phước về việc cần có một gói tín dụng cho cây điều, tương tự như chương trình tín dụng cho người trồng cà phê Tây Nguyên đang được vay để thực hiện tái canh vườn cà phê già cỗi hiện nay. Gói tín dụng ưu đãi cho tái canh cà phê già cỗi giai đoạn 2014-2020 là 12 ngàn tỷ đồng, lãi suất cho vay do Ngân hàng Nhà nước công bố, nhưng không vượt quá 7%/năm. Mức cho vay do khách hàng và ngân hàng thỏa thuận, nhưng tối đa 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 8 năm. Với phương pháp ghép cải tạo cà phê, mức vay tối đa 80 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 4 năm. Đối tượng được vay vốn là các tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê tại địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên có tên trong danh sách thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với Đề án tái canh cà phê tại các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020; đồng thời có giấy đề nghị vay vốn đính kèm phương án vay vốn và được ngân hàng thẩm định, quyết định cho vay theo quy định.

Chính sách ưu đãi cho cây điều xuất phát từ kiến nghị của UBND tỉnh Bình Phước dựa trên cơ sở đề án phát triển ngành điều bền vững của Bình Phước đến năm 2020, ổn định diện tích cây điều 200.000 ha/300.000 ha của cả nước. Hiện nay, nếu tính cả diện tích điều trong đất lâm nghiệp thì Bình Phước đã có gần 180.000 ha, năng suất bình quân khoảng 1,4 tấn/ha (cao hơn cả nước khoảng 3 tạ/ha). Mục tiêu của phát triển ngành điều bền vững Bình Phước là không chỉ tăng diện tích cây điều mà còn tăng năng suất bằng tái canh, trồng mới theo quy trình kỹ thuật từ cây giống tốt đến chăm sóc, bón phân. Hữu cơ hóa vườn điều để có nguyên liệu sạch cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sâu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cao cấp… Cải tạo vườn điều già năng suất thấp theo phương pháp ghép cành để tăng năng suất bình quân lên 2-2,5 tấn/ha. Đồng thời tăng lợi nhuận/ha giúp nông dân yên tâm gắn bó với cây điều bằng phương pháp hướng dẫn nông dân trồng xen ca cao ở diện tích có nước tưới, chăn nuôi dưới tán điều. Có vùng nguyên liệu là yếu tố thu hút doanh nghiệp có thực lực về tài chính, kinh nghiệm thương trường vào đầu tư trên vùng nguyên liệu tốt, ổn định để tăng nguồn thu ngân sách, phấn đấu đưa xuất khẩu đạt 1 tỷ USD/năm (hiện nay chỉ khoảng 290.000 USD)…

 Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong vài năm trở lại đây, xuất khẩu điều Việt Nam luôn tăng trưởng mạnh so với những mặt hàng nông nghiệp khác như lúa gạo. Tuy nhiên, nguồn cung cấp nguyên liệu điều thô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% chế biến xuất khẩu, còn lại phụ thuộc vào nguồn điều thô nhập khẩu từ Campuchia, châu Phi. Đề án phát triển điều bền vững của Bình Phước đến năm 2020 là cơ sở để ngành điều giảm áp lực về phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu để phát triển chế biến sâu, tăng giá trị xuất khẩu bền vững…

P.Thảo

Từ khóa : cà phêtrồng điều

Các tin liên quan đến bài viết