Không chỉ cây điều mà từ đầu năm đến nay, do thời tiết diễn biến bất thường đã làm cho hàng chục ha cây trồng của nông dân ở tỉnh Bình Phước bị thiệt hại nghiêm trọng. 

“Dự báo thời gian tới, thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, do đó người nông dân cần chủ động để ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các loại cây trồng” – ông Sơn nói và cho biết do thời tiết và quy luật sinh trưởng của cây trồng đang thay đổi nên cần có sự đầu tư nghiên cứu sâu hơn về những biến đổi khác thường của thời tiết để phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó kịp thời thay đổi cơ cấu, thời lịch mùa vụ gieo trồng, chăm sóc sao cho phù hợp.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có hơn 2.564ha tiêu bị bệnh tuyến trùng, rệp sáp, chết chậm tấn công. Đối với cây cà phê bị rệp sáp, bệnh khô cành và cháy lá gây hại gần 400ha. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 3.568ha cao su bị bệnh phấn trắng, nấm hồng, hư miệng cạo, vàng rụng lá; hơn 1.800ha lúa hè thu, trong đó có gần 29ha bị rầy nâu tấn công. Còn ở cây ăn trái, nhiều diện tích bị bệnh chổi rồng, sâu đục cành, ruồi đục trái, bệnh thán thư… tấn công gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân.

Thời tiết bất thường, nông dân lao đao

Từ đầu năm 2017 đến nay, thời tiết thay đổi, nắng ít, mưa sớm và kéo dài làm nhiều diện tích hồ ra ít hoa, dịch bệnh tấn công khiến nông dân trồng tiêu hết sức lo lắng. Theo kinh nghiệm của nông dân, cây tiêu rất mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết cũng như môi trường đất, vì vậy khi thời tiết nắng hạn kéo dài hay mưa dầm kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và năng suất của loại cây trồng này.

Nhiều hộ nông dân trồng tiêu ở thị xã Bình Long (địa phương có diện tích hồ tiêu bị bệnh nhiều nhất tỉnh 552ha) đang đứng ngồi không yên khi cây tiêu bệnh hàng loạt. Do mưa nhiều, mưa dầm, độ ẩm tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, trong đó có nấm Phytophthora và Fusarium gây nên bệnh chết nhanh và chết chậm.

Thời tiết bất thường khiến cho hàng chục ha tiêu ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ra bông ít
Thời tiết bất thường khiến cho hàng chục ha tiêu ở huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước ra bông ít

Xót xa nhìn gần 200 trụ tiêu đang trong thời kỳ thu hoạch bị lụi tàn, bà Phan Thị Hiền, ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long buồn bã nói: “Mưa xong nắng lên cây tiêu càng chết nhiều. Hiện diện tích tiêu còn lại đang tiếp tục úa vàng lá, cứ thế này là nó sẽ chết. Từ khi trời mưa nhiều, gia đình tôi đã đầu tư nhiều thuốc bảo vệ thực vật để cứu chữa diện tích tiêu còn lại nhưng không thành”.

Tại huyện Bù Đốp, thời tiết thất thường khiến cho hàng chục ha tiêu của các hộ dân nơi đây ra bông ít, thậm chí ra bông nhưng lại rụng. Theo nông dân nơi đây, năm nay cây tiêu ra bông ít là do biến đổi khí hậu, đặc biệt năm nay mưa nhiều, kéo dài, khiến cây tiêu gặp khó khăn trong giai đoạn ra bông, đậu trái.

Cùng với đó, người trồng cao su cũng đối mặt với khó khăn khi vườn cây của mình bị bệnh do mưa nhiều. Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Bù Nho, huyện Phú Riềng cho biết: “Hiện 3ha cao su của gia đình đang trong thời kỳ cho cạo đều bị bệnh phấn trắng tấn công. Bệnh này năm nào cũng xảy ra, nhưng năm nay thời tiết thất thường nên bùng phát sớm khiến gia đình tôi trở tay không kịp. Bệnh xuất hiện khiến cho cây bị mất sức dẫn đến năng suất, sản lượng mủ giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở hai mặt lá, lá có màu nâu và xanh nhạt là giai đoạn mẫn cảm nhất, nếu gặp thời tiết lạnh và có sương mù, lá sẽ rụng hàng loạt”.

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Thạc sĩ Doãn Văn Chiến – Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước cho biết, năm nay thời tiết thay đổi bất thường đã gây ảnh hưởng lớn đến tất cả các loại cây trồng, dẫn đến giảm năng suất. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động chăm sóc vườn cây, cung cấp đủ phân bón theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển để ngăn chặn sâu bệnh xâm nhập cây trồng. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh sớm. “Vườn cây phải luôn được thông thoáng, chăm sóc đúng quy trình theo phương pháp tăng lượng phân bón hữu cơ, kiểm soát nấm bệnh. Khi phát hiện cây bị bệnh cần sử dụng những loại thuốc đặc trị để giúp cây phục hồi, phát triển tốt” – ông Chiến khuyến cáo.

Ông Nguyễn Hải Sơn – Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Phước cho biết thêm, từ đầu năm đến nay mưa trái mùa, lượng mưa lớn và kéo dài cùng với độ ẩm không khí cao khiến cho thời kỳ ra hoa, đậu trái của một số cây trồng bị ảnh hưởng. Vả lại thời tiết thất thường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều loại sâu bệnh gây hại tấn công làm ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.

Từ đầu năm đến nay do thời tiết thay đổi bất thường làm hơn 35.400ha/134.000 điều ở tỉnh Bình Phước bị các loài sâu bệnh gây hại. Sau thời gian ra quân giúp nông dân giải cứu, đến nay khoảng 80% diện tích đã phục hồi và phát triển tốt.

Nguồn khoahocthoidai.vn

 

Các tin liên quan đến bài viết