Nhiều nông dân đã quyết định ngưng hoặc giảm đầu tư cho vụ nuôi trồng mới vì quá rủi ro khi chi phí đầu vào tăng cao, còn giá bán ra lại giảm mạnh.
Dù tình hình giãn cách xã hội ở các địa phương được nới lỏng hơn, nhưng tình hình tiêu thụ nông sản vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Giá tôm năm nay giảm 30%, lúa giảm khoảng 25%, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, tôm giống tăng gần gấp đôi năm trước nên tôi chưa có kế hoạch tái đầu tư sản xuất vụ tới.
Ông Lê Hoàng Đảm (nông dân huyện An Minh, Kiên Giang)
Chi phí tăng, nông dân ngại tái sản xuất
Đó là tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh.
Hiện tại, giá lúa chất lượng cao ở các huyện giảm so với những tháng đầu năm, thu mua của doanh nghiệp và thương lái rất chậm.
Tại huyện Gò Quao, tùy theo giống lúa giá từ 5.700 – 5.800 đồng/kg; huyện Giang Thành giá từ 5.200 – 5.700 đồng/kg… Không chỉ giá cả đã giảm nhiều, có loại giảm 40-60% so với cùng kỳ các năm trước, mà thương lái cũng hạn chế thu mua do dịch bệnh.
Từ cuối tháng 6 đến nay, hàng trăm tấn nông sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ, nhiều hộ nuôi lồng bè đã có cá tới kỳ xuất bán nhưng khó tiêu thụ.
Ông Lê Hoàng Đảm, một nông dân trồng lúa theo mô hình luân canh tôm – lúa ở huyện An Minh, chia sẻ giá tôm năm nay giảm 30%, lúa giảm khoảng 25%, trong khi giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, tôm giống tăng rất cao, gần gấp đôi năm trước nên ông chưa có kế hoạch tái đầu tư sản xuất vụ tới. Chờ khi nào hết giãn cách toàn vùng ĐBSCL, giá cả ổn định trở lại mới tính tiếp.
Trong khi nông sản khó tiêu thụ, giá giảm sâu thì giá các loại vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, nhân công… đều tăng mạnh khiến nông dân khó khăn trong tính toán tái đầu tư.
Theo Bộ NN&PTNT, chi phí cho phân bón và thuốc bảo vệ thực vật chiếm tới 36-41% chi phí sản xuất lúa tại ĐBSCL là một gánh nặng cho nông dân.
Trong khi đó, từ đầu năm 2021 đến nay giá các loại vật tư nông nghiệp nói trên đã tăng chóng mặt, nhiều loại tăng 60-70% khiến giá thành sản xuất tăng cao, lợi nhuận của nông dân bị thu hẹp, thậm chí thua lỗ.
Giá trái cây giảm, không ai thu mua
Những ngày đầu tháng 10-2021, nhãn tiêu da bò ở Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu) đang bước vào vụ thu hoạch nhưng bà con trồng nhãn ở đây đứng ngồi không yên vì chưa biết bán nhãn đi đâu.
Nếu như mọi năm đến vụ, các cơ sở nhãn sấy ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… đến tận nơi để mua về sơ chế nhưng năm nay không thấy bóng dáng.
Nếu như năm trước, giá nhãn tiêu da bò bán tại vườn ở mức 18.000 – 20.000 đồng/kg thì nay nông dân bán chỉ còn 8.000 – 10.000 đồng/kg vẫn không có người mua.
Anh Nguyễn Chung, đại diện nhóm nông dân trồng nhãn tại Xuyên Mộc, cho biết đã liên hệ với những cơ sở hay mua nhãn các năm trước nhưng họ từ chối vì tình hình dịch bệnh đi lại khó khăn, công nhân không đến làm việc.
“Chúng tôi cũng đã nhờ các mối quan hệ nhiều nơi để giải cứu, thậm chí bán giá bằng nửa mọi năm nhưng vẫn chưa có kết quả. Mấy ngày nữa nhãn sẽ rụng đầy gốc và bỏ đi thôi”, anh Chung cho hay.
Để giải cứu nhãn, nhóm của anh Chung đã liên hệ với Tổ 970 của Bộ NN&PTNT nhờ kết nối với người mua, liên hệ với các nhóm giải cứu nông sản nhưng đến nay chưa có kết quả.
Tình trạng trái cây khó tiêu thụ, nông dân để trái rụng trắng vườn cũng xảy ra ở các tỉnh miền Tây.
Tại huyện Phong Điền (Cần Thơ), nông dân Nguyễn Văn An những ngày qua chẳng buồn ra vườn dâu vì không có thương lái đến mua.
Ngày thường chưa có dịch COVID-19, dâu hạ châu là đặc sản nức tiếng địa phương nên bán rất có giá, không dưới 20.000 đồng/kg.
Dịch bệnh bùng phát nên đầu ra không có, 2 công dâu phải chấp nhận để rụng trắng vườn với số lượng lên đến 2 tấn. Để đầu tư lại, ông An phải đối diện việc đi vay mượn.
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp tại các tỉnh Nam Bộ từ tháng 5 đến nay, giá bán nhiều loại trái cây khác có thời điểm ở mức rất thấp, như thanh long ruột trắng chỉ 2.000 – 3.000 đồng/kg; giá thu mua nhãn giảm khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm 2020; chôm chôm 6.000 – 7.000 đồng/kg, sầu riêng 30.000 – 35.000 đồng/kg, đều giảm khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái…
Nguy cơ thiếu thực phẩm cuối năm
Trả lời báo chí tại buổi họp báo thông tin về kết quả sản xuất 9 tháng đầu năm ngày 5-10, ông Nguyễn Văn Trọng, phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết thời gian qua ngành chăn nuôi cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19, các chuỗi sản xuất bị đứt gãy, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao từ 16-35%.
Theo ông Trọng, trong bối cảnh COVID-19, việc giãn cách xã hội ở Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm khoảng 30%, do đó dư thừa tại chuồng.
Đặc biệt gà công nghiệp tiêu thụ chỉ 5-10%, mặc dù hiện nay giá có tăng (15.000 – 20.000 đồng/kg) nhưng người dân vẫn lỗ. Giá thịt heo cũng chỉ dao động ở khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg nên người chăn nuôi khó khăn.
“Vì vậy, tới đây nếu không chủ động được nguồn thực phẩm thì sẽ có việc thiếu cục bộ trong quý 4-2021, dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022” – ông Trọng nhấn mạnh.
Theo ông Trọng, trước mắt Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp cùng bộ, ngành và địa phương để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi còn tồn đọng.
Bộ sẽ làm việc và chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động tái đàn cho dịp cuối năm. Đồng thời chỉ đạo các tỉnh không có giãn cách xã hội duy trì và tăng chăn nuôi để hỗ trợ các tỉnh giãn cách xã hội.
Ông Trọng cho rằng các ngân hàng cần phải giãn nợ, khoanh nợ, tiếp tục cho vay để người chăn nuôi tái đàn… “Nếu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán” – ông Trọng nói.
Tìm cách giảm giá thành, giúp nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, về giải pháp giảm giá thức ăn chăn nuôi, thúc đẩy người dân tái đàn trong những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo làm sao sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước theo hướng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, tức là sản phẩm đầu vào của trồng trọt là đầu ra của chăn nuôi, đầu ra của chăn nuôi là đầu vào của trồng trọt. Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo liên kết các hộ chăn nuôi để giảm giá thành…
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết ông đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức tài trợ để làm sao xây dựng một hệ thống hạ tầng nông nghiệp, logistics nông nghiệp nông thôn theo từng cấp độ.
Ông Hoan đánh giá đại dịch vừa qua đã thấy lỗ hổng rất lớn là nếu có những kho bảo quản nhỏ, những xưởng nhỏ thôi thì bà con giữ lại nông sản một thời gian dài hơn, có điều kiện sơ chế ra sản phẩm để đưa ra thị trường nội địa.
Nguồn: tuoitre.vn