Với việc EVN đang lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, Bộ Công Thương đã sớm ban hành kế hoạch điều hành giá cho năm 2019 và sẽ xin ý kiến để quyết định thời điểm tăng giá điện. Cũng trong tuần qua, chuyện Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải thích vì sao nhà thầu Trung Quốc trúng nhiều dự án ở Việt Nam cũng khiến dư luận chú ý.
Nhiều khả năng trong năm 2019 sẽ tăng giá điện
Lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, EVN “tính chuyện” tăng giá điện
Theo công bố của Bộ Công Thương, trong năm 2017, EVN đạt doanh thu 289.954,78 tỷ đồng trong khi tổng chi phí sản xuất kinh doanh lại lên tới 291.278,46 tỷ đồng. Như vậy, nếu lấy doanh thu trừ đi chi phí thì năm 2017 EVN vẫn đang lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, cho dù giá điện năm 2017 đã tăng so với năm 2016.
Giải thích cho tình trạng thua lỗ, EVN cho biết do giá dầu HSFO, thuế suất tài nguyên nước… cùng tăng. Bên cạnh đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tỷ giá đồng USD biến động cũng ảnh hưởng tới giá điện.
Đứng trước tình trạng đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Bộ Công Thương đã sớm ban hành kế hoạch điều hành giá cho năm 2019. Bộ sẽ thẩm định, báo cáo ban điều hành giá của Chính phủ rồi trên cơ sở đó sẽ quyết định thời điểm tăng giá điện.
Nhiệt điện Quảng Ninh lại phải dừng tổ máy vì thiếu than
Trong công văn vừa được gửi tới Bộ Công Thương, EVN cho biết một thực trạng đáng báo động đó là nhiên liệu than cho sản xuất điện tại các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng đang thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể như Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh chỉ còn 8.800 tấn than (không đủ 1 ngày vận hành), Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng còn 66.785 tấn (khoảng 5 ngày vận hành).
Lãnh đạo Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh – đơn vị quản lý Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cho biết do thiếu than trầm trọng, 2 trong 4 tổ máy của nhà máy đã phải dừng hoạt động từ ngày 17/11/2018. Điều này đồng nghĩa với việc “mất” khoảng 10 triệu kWh/ngày.
Mặc dù chỉ còn với 2 tổ máy nhưng theo lãnh đạo Công ty Nhiệt điện Quảng Ninh, lượng than dự trữ chỉ còn vài nghìn tấn. Trong khi đó, để 4 tổ máy với tổng công suất 1.200 MW hoạt động từ nay đến cuối năm, Công ty cần khoảng 600.000 tấn than.
Thông tin từ TKV cho biết, nhu cầu tiêu thụ than năm 2018 tăng cao do tăng trưởng điện 2018 đạt mức cao trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động. Cùng với đó, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10 USD/tấn dẫn tới các hộ tiêu thụ chuyển sang mua than từ TKV khiến cung cầu thay đổi.
Phó Thủ tướng: Năm 2019, phải thay những cá nhân không làm được việc!
Làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, nội hàm chủ đề điều hành kinh tế- xã hội của năm 2019 của Chính phủ là “tăng tốc”, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn chần chừ, sợ trách nhiệm thực thi công vụ. Tăng tốc trong điều hành, thực thi nhiệm vụ và kết quả thực hiện ở cả các cấp Trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019 Chính phủ muốn tập trung thực hiện 2 việc là xác định nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện.
“Trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng kinh tế và củng cố nền tảng vĩ mô và quy định cụ thể trách nhiệm bộ ngành địa phương, người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, bao gồm cả xử lý cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ, thời gian thực hiện và bố trí không đúng cán bộ triển khai nhiệm vụ. Người đứng đầu phải thay những cá nhân không làm được việc”. – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Đại dự án khốn khổ vì nhà thầu Trung Quốc: Ai dám xử mạnh tay?
Trả lời cử tri, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Thời gian qua có nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu các dự án của Việt Nam, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tình trạng như: thi công chậm tiến độ; chất lượng của hàng hóa, công trình sau khi hoàn thành không cao, xuống cấp nhanh sau khi hết hạn bảo hành…
Nhiều chủ đầu tư đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc, kể cả chấp nhận bị kiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư liệt kê hàng loạt nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nhà thầu Trung Quốc trúng thầu. Đó là sử dụng vốn vay của Trung Quốc. Để vay vốn Trung Quốc thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu nhiều ở Việt Nam.
Ngoài ra, chất lượng lập, phê duyệt dự án còn thấp, chưa xác định được một cách tương đối chính xác về công nghệ, khối lượng cũng như tổng mức đầu tư của dự án dẫn đến phát sinh khối lượng khi thực hiện.
Để hạn chế nhà thầu kém chất lượng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, biện pháp cần thực hiện là Việt Nam phải tự chủ về vốn, tránh việc vay vốn Trung Quốc quá nhiều. Theo Bộ này, các chủ đầu tư phải nâng cao năng lực, đạo đức và trách nhiệm khi thực thi nhiệm vụ để bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đấu thầu góp phần lựa chọn được nhà thầu đáp ứng yêu cầu.
Chủ tịch Hội KTS Việt Nam: “Một trận mưa mà TP.HCM ngập tới 80% thì đô thị phát triển không bền vững”
“Cơ bản, TP HCM ngập 80% và TP Vũng Tàu cũng vậy. Điều này chứng tỏ đô thị chúng ta phát triển không bền vững. Một sự kiện thiên nhiên không lớn lắm, không mạnh lắm mà có thể làm tê liệt đô thị của chúng ta”.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 9 nên trên địa bàn TPHCM đã có mưa lớn kéo dài nhiều giờ. Mưa kết hợp với triều cường dâng cao đã gây nên cảnh ngập lụt kinh hoàng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải TPHCM, tính đến chiều 25/11, có 39 tuyến đường bị ngập, trong đó ngập sâu nhất là 0,3m tại các đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), quốc lộ 13. Thậm chí, đến chiều tối cùng ngày, tại đường Huỳnh Tấn Phát, cả đoạn đường ngập sâu hơn nửa mét.
Theo Dân Trí