Thông thư 02 của Bộ Nội vụ chính thức bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và thi nâng ngạch đối với công chức hành chính, văn thư như cởi bỏ gánh nặng “ngàn cân” với hàng trăm ngàn công chức.
Gánh nặng chứng chỉ đã từng được nhiều ĐBQH ví như “giấy phép con”, “hành trình khốn khổ, tốn kém”, “chạy” chứng chỉ để qua các cửa ải.
Chứng chỉ vào nghị trường
Nhiều ĐBQH đặt hàng loạt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nội vụ tại nhiều kỳ họp của Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khi ấy đã đưa ra lời cam kết sẽ cắt giảm các loại chứng chỉ không cần thiết để giảm gánh nặng với công chức, viên chức.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2019, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) nêu thực tế, yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn mang tính hình thức. Bởi nhiều cán bộ, công chức, viên chức vì muốn cho đủ “thủ tục” nên đã đăng ký lớp học ngoại ngữ, tin học với thời gian học rất ngắn nên chất lượng các chứng chỉ không thực chất.
Bên cạnh đó, nhiều ngành nghề, lĩnh vực chưa thực sự cần đến các chứng chỉ này nên sau khi lấy chứng chỉ không sử dụng đến. Vì vậy, mục đích có chứng chỉ nhằm đủ điều kiện để thi xét nâng ngạch còn mang tính hình thức và gây tốn kém cho đội ngũ công chức, viên chức.
Từ đó, đại biểu đặt vấn đề xem xét bỏ quy định phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi thi xét nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cũng nêu tâm tư của nhiều cử tri về sự mệt mỏi của việc làm sao để hoàn thiện các văn bằng, chứng chỉ mà cử tri cho rằng không khác gì những “giấy phép con”.
Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Trả lời chất vấn khi ấy, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhìn nhận: “Tôi thấy rất phiền hà về văn bằng chứng chỉ. Không chỉ thi thăng hạng hay xét nâng ngạch đâu các đồng chí, mà còn ở quy trình bổ nhiệm. Nhiều quá!”.
Ông Tân cho biết, quy định về tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ này có từ năm 1993 và cho rằng: “Tôi nghĩ hai mươi mấy năm rồi thì phải sửa chứ. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Một quyết định mà 20 năm không sửa, để thủ tục rườm rà”.
Bộ trưởng Nội vụ đã cam kết sẽ sửa quy định về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức được sửa đổi để không còn là gánh nặng với công chức, viên chức.
Sau khi nghe Bộ trưởng trả lời, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) chia sẻ, lời khẳng định của Bộ trưởng có lẽ sẽ giúp gần 100% cán bộ, công chức rất vui mừng, vì tới đây sẽ bớt được hành trình khốn khổ, tốn kém để “chạy” chứng chỉ để qua các cửa ải.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ hơn các giải pháp tổ chức thực hiện để cán bộ, công chức “vừa tránh vỏ dưa, vừa tránh được vỏ dừa”.
Đại biểu Đinh Duy Vượt đưa ra ví dụ cụ thể về việc phát thanh viên người dân tộc phát thanh tiếng dân tộc không có bằng ngoại ngữ thì buộc phải lấy bằng tiếng dân tộc; giáo viên các cấp vùng sâu, vùng xa cũng như thế, nếu không sẽ bị loại ngay từ vòng đầu.
Đại biểu đề nghị, văn bằng, chứng chỉ nên quy định vị trí việc làm cụ thể, chức danh cụ thể không thể buộc cán bộ công chức nào cũng phải có tất cả các loại văn bằng, chứng chỉ. Ý kiến này đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tiếp thu sau đó.
Một năm sau, đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vào tháng 11/2020, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP.Hà Nội) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về việc sẽ sớm bỏ những chứng chỉ như chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, loại bỏ tình trạng thi nhau đi học các chứng chỉ để hoàn thành các tiêu chuẩn thăng hạng, nâng ngạch.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và Viên chức, các nghị định của Chính phủ xem xét giảm bớt các thủ tục, trong đó không cần phải yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.
Thủ tướng chỉ đạo gỡ khó cho hàng triệu giáo viên
Trong khi câu chuyện chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với công chức, viên chức mới được cam kết cắt giảm thì vào đầu tháng 2/2021 hàng triệu viên chức ngành giáo dục chới với khi Bộ GD-ĐT ra chùm thông tư về bổ nhiệm và xếp hạng giáo viên.
Những quy định này đã dẫn đến làn sóng ồ ạt “đi học, đi thi chứng chỉ” diễn ra trên khắp cả nước.
“Chẳng biết cần hay chưa nhưng mọi người đi học thì mình cũng phải đi cho an tâm, không đến lúc cần lại không có”, một giáo viên ở Quảng Trị chia sẻ với VietNamNet.
Gánh nặng chứng chỉ đã từng được nhiều ĐBQH ví như “hành trình khốn khổ, tốn kém” |
Cũng tâm lý này, hàng trăm giáo viên mầm non mạo hiểm đến trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên để học bồi dưỡng hồi tháng 5 vừa qua dù tỉnh đang có dịch Covid-19.
Độc giả VietNamNet kể, nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm có chức năng đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hoặc các trung tâm liên kết với những trường này đã gửi thông báo chiêu sinh đến các địa phương, các trường.
Tùy từng nơi mà chi phí cho một khóa bồi dưỡng và thi chứng chỉ vào khoảng 2-3,5 triệu đồng. Thậm chí, có người cho rằng, đó là “giá cứng”, còn trọn gói phải lên tới 5 triệu đồng.
Một lần nữa câu chuyện chứng chỉ bồi dưỡng lại được đặt ra với các nhà hoạch định chính sách.
Trước sự phản ánh của báo chí, ngày 19/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã yêu cầu các bộ ngành liên quan chỉ rõ những loại chứng chỉ nào là điều kiện để được bổ nhiệm thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu phân loại chứng chỉ bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 101/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và các quy định khác có liên quan; Bộ GD-ĐT báo cáo cụ thể về nội dung tương tự nêu trên đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên cơ sở công lập các cấp.
Chứng chỉ không còn để “làm đẹp hồ sơ”
Đầu tháng 6 vừa qua, hàng triệu công chức, viên chức thật sự vui mừng khi hay tin Bộ Nội vụ đề xuất với Thủ tướng cắt giảm hàng trăm chứng chỉ bồi dưỡng.
Bộ Nội vụ đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã tiếp nối và quyết tâm thực hiện lời cam kết của người tiền nhiệm |
Cụ thể là bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.
Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ
“Khi cắt giảm các loại chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các loại văn bằng, chứng chỉ. Vì vậy, việc có người này, người kia tâm tư là chuyện khó tránh khỏi.
Nhưng đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu người và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, không cần thiết để một mặt vừa giảm “gánh nặng” đối với công chức, viên chức; một mặt đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn”.
Đáng chú ý, Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Các đề nghị này sau đó đã được Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đồng ý cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Ngày 11/6, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.
Thông tư này chính thức trút được gánh nặng cho hàng trăm ngàn công chức hành chính, văn thư khi được loại bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng và thi nâng ngạch.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long cho biết, quy định này không chỉ giảm gánh nặng chứng chỉ với công chức hành chính mà còn giảm nhiều hệ quả của việc yêu cầu những chứng chỉ không cần thiết như tình trạng mua bán chứng chỉ, trong đó có cả chứng chỉ giả…
Ngoài ra, hiện có khoảng 200.000 công chức hành chính cả nước phải hoàn thiện văn bằng chứng chỉ với mức giá đi học khoảng 2,5-3 triệu đồng mỗi chứng chỉ thì việc cắt giảm sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí xã hội…
Như vậy, những lời cam kết của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trước Quốc hội, đã được người kế nhiệm mình là Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tiếp nối và quyết tâm thực hiện. Bước đầu, nhiều bộ ngành cũng đã ban hành các quy định bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức thuộc ngành mình.
Hiện vẫn còn nhiều chứng chỉ bồi dưỡng không cần thiết liên quan đến hàng triệu công chức, viên chức đang được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ ngành để cắt giảm trong thời gian tới.
Hy vọng, với quyết tâm này, việc học và cấp các chứng chỉ trong thời gian tới không còn là một loại “giấy phép con” chỉ để “làm đẹp hồ sơ” công chức, viên chức như vừa qua mà phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của mỗi công chức, viên chức để đáp ứng các yêu cầu trong công việc.
“Phải khẳng định là việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ mà đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet