Được đánh giá là một trong những đơn vị vững mạnh toàn diện của tỉnh, nhiều năm nay, Hội Đông y huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước làm tốt công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của hội, góp phần cùng ngành y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở tuyến cơ sở.
Người dân đến khám, điều trị bệnh tại phòng khám đông y của lương y Lê Ngọc Tấn (hội viên Hội Đông y huyện Bù Đốp)
Được thành lập từ năm 2009, sau 8 năm đi vào hoạt động, Hội Đông y huyện Bù Đốp trở thành địa chỉ tin cậy của những bệnh nhân nghèo ở các xã vùng biên giới và các huyện lân cận bởi phương pháp điều trị hiệu quả và thái độ phục vụ người bệnh tận tâm. Ông Đức Trung (ngụ xã Thiện Hưng), một bệnh nhân thường xuyên của Hội Đông y huyện Bù Đốp chia sẻ: “Lúc đầu tôi cũng không yên tâm lắm khi chữa trị tại cơ sở Hội Đông y nhưng sau khi khám và được tư vấn điều trị tôi cảm thấy hiệu quả rất tốt. Giờ đây khi có bệnh trong người, tôi và bà con đến cơ sở hội để đỡ chi phí hơn”.
Còn anh Đỗ Văn Trung (thị trấn Thanh Bình) cũng không giấu được niềm vui khi thấy căn bệnh thoái hóa cột sống của mình đã thuyên giảm khi được các lương y của cơ sở hội chữa trị. Anh Trung nói: “Tôi bị thoái hóa cột sống hơn 4 năm, điều trị nhiều nơi không thuyên giảm. Sau thời gian điều trị bằng phương pháp đông y tại các cơ sở hội, bệnh của tôi đã thuyên giảm. Điều quý nhất là các lương y rất tận tâm, nhiệt tình”.
Song song với việc khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, Hội Đông y huyện Bù Đốp còn thực hiện tốt việc khôi phục vườn thuốc Nam và tăng cường sử dụng các phương pháp xoa bóp, day ấn của y học cổ truyền để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đó, các cấp hội vận động lương y, hội viên, người dân trồng và sử dụng thuốc nam tại gia đình và cộng đồng theo phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại vườn”.
Bà Hoàng Thị Thanh Hương – Chủ tịch Hội Đông y huyện Bù Đốp cho biết: Hội Đông y huyện khuyến khích người dân trồng được hàng trăm m2 vườn thuốc nam với ít nhất 3 vị thuốc. Hầu hết, người dân khi mắc các bệnh như ho, cảm, đau bụng… có thể tự điều trị tại nhà.
Theo bà Hương, để có kết quả tốt thì trước hết là sự tận tâm của đội ngũ lương y, hết lòng chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho người dân. Thêm vào đó, sự nhiệt tình của các hội viên, những người đi sưu tầm, thu hái dược liệu trong và ngoài huyện nhằm bảo đảm nguồn thuốc cung cấp cho các phòng chẩn trị. Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên sâu về chuyên môn nhằm bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm cho lương y và hội viên để vận dụng vào việc khám, chữa bệnh, hướng dẫn người dân tự chăm sóc sức khỏe bằng Đông y.
“Một điều quan trọng tạo nên lòng tin của người bệnh chính là y đức. Do đó, người lương y phải bốc thuốc bằng cả y thuật và y đức. Mỗi lương y không chỉ dành thời gian nghiên cứu, học hỏi mà còn xem việc giúp đỡ bệnh nhân nghèo là việc làm thường xuyên của mình” – bà Hương nói.
Lương y Lê Ngọc Tấn (hội viên Hội Đông y huyện Bù Đốp) chia sẻ: “Là một người hành nghề đông y, phương châm đầu tiên của tôi là lấy hai chữ y đức làm trọng, từ đó, tôi xem người bệnh như người thân, sự đau đớn của người bệnh như sự đau đớn của chính bản thân mình”.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Hội đã khám, điều trị cho hơn 32.000 lựơt bệnh nhân; cấp phát hơn 27.000 thang thuốc và hơn 24.000 lượt châm cứu, giác hơi. Trong đó khám miễn phí 1.305 lượt người, cấp 1.285 thang thuốc, châm cứu và giác hơi 1.918 lượt người. Từ những dược liệu quý, những bài thuốc, phương pháp ứng dụng điều trị lâm sàng đã đem đến sức khỏe và niềm tin trong người dân tại địa phương.
Có thể thấy rằng, qua phương pháp điều trị đa dạng như châm cứu, bấm huyệt, dùng thuốc… phần lớn các ca điều trị bằng phương pháp đông y đều đạt kết quả cao. Hiện tại hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng phương pháp Đông y đã tạo thành mạng lưới rộng khắp từ cơ sở hội đến các phòng khám tư nhân góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến nay, toàn huyện Bù Đốp có 7 cơ sở Hội tại các xã, thị trấn; 5 phòng chuẩn trị khám chữa bệnh; 122 hội viên. Trong đó, các cơ sở hội xây dựng được vườn 17 vườn cây thuốc nam vừa phục vụ nhu cầu tại chỗ, vừa phục vụ nghiên cứu, chế biến thuốc.
Theo khoahocthoidai.vn