Nhiều ngành sản xuất trong nước đang đối mặt với khó khăn do nguồn cung cấp phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Các DN đang “ngấm đòn” và không khỏi lo lắng nếu tình hình tiếp tục kéo dài.

Đói nguyên liệu

Sản xuất lắp ráp ô tô tải đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động hàng loạt nhà máy. Một số DN sản xuất lắp ráp ô tô tải tại Hưng Yên và TP.HCM cho biết đã tạm ngừng sản xuất từ đầu tháng 3/2020 do hết bộ linh kiện và không tìm được nguồn thay thế. Với ô tô tải, có tới 70%linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng do tác động của dịch Covid-19, các nhà máy ở đây đang ngừng sản xuất, dẫn đến nguồn cung bị gián đoạn.

“Chúng tôi đã lên hệ với các nhà cung cấp tại Trung Quốc, họ nói dự kiến một tháng nữa mới đi vào sản xuất. Như vậy, phải sau 2 tháng linh kiện mới về Việt Nam và để lắp thành sản phẩm đưa ra thị trường, mất thêm khoảng 1 tháng nữa. Hiện nhà máy đã ngừng hoạt động và tiến hành duy tu bảo dưỡng. Người lao động nghỉ việc vẫn phải trả 100% lương để giữ chân, nếu không muốn họ nhảy việc. Trong khi đó, xe tải lắp ráp ra không bán được, do dịch Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động vận tải. Tức là cả đầu vào lẫn đầu ra đều chìm trong khó khăn”, giám đốc một DN xe tải than thở.

Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu
DN ô tô đói linh kiện, đặc biệt với ô tô tải

Một số DN ô tô khác cho hay họ chỉ đủ linh kiện lắp ráp hết tháng 3, nếu nguồn cung không nối lại kịp thời phải dừng sản xuất khoảng 2 tháng, thiệt hại sẽ rất lớn.

Ngành điện tử cũng đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Công ty Samsung và LG Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến một số sản phẩm chiến lược đời mới của hãng.

Còn thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, nhiều DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh kiện phục vụ cho sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020. Nguồn linh kiện điện tử chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nguồn cung cấp đang bị tác động, sẽ khó tránh khỏi sụt giảm sản xuất và kim ngạch xuất khẩu quý 1/2020.

Với ngành dệt may, nhiều DN cũng cho biết đang đối mặt với nguy cơ tạm ngừng sản xuất. Theo đại diện May Hoàng Oanh (TP.HCM), từ cuối tháng 2/2020 công ty đã không có đủ nguyên liệu để sản xuất. Nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Song hiện nay, các nhà cung cấp vẫn đang trong tình trạng dừng sản xuất. Chưa kể những hạn chế vận chuyển hàng qua cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến công ty phải sản xuất cầm chừng.

Thông tin từ Hiệp hội DN TP.HCM cho thấy, gần như tất cả các DN dệt may trên địa bàn hiện đều thiếu nguồn cung trầm trọng. Có khoảng 50% các DN chỉ đảm bảo sản xuất đến giữa tháng 3, phần còn lại là hết tháng 3. Nếu tình trạng gián đoạn nguồn cung kéo dài, nhiều DN có khả năng phải dừng sản xuất.

Với ngành da giày, túi xách, hiện trên 60% nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc,… do vậy nhiều DN đang phải chịu đựng khó khăn khi dịch bệnh diễn  biến phức tạp và kéo dài. Một công ty da giày xuất khẩu tại Gia Lâm (Hà Nội) lo lắng khi sản xuất bị giảm sút nghiêm trọng, doanh thu giảm tới 40% so với cùng kỳ. Lý do là bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty không nhập khẩu được nguyên, phụ liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ Trung Quốc nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Nỗi lo đứt nguồn cung, áp lực tăng nợ xấu
Dù khó khăn, nhiều DN vẫn phải trả lương lao động vì sợ đến khi hồi phục không có nhân viên làm việc (ảnh minh họa)

Nỗi lo nợ xấu

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 có tác động lớn đến kinh tế Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Với lĩnh vực công nghiệp, nhiều DN đang “ngấm đòn” do thiếu nguyên liệu đầu vào cũng như khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước hai tháng đầu năm 2020 ước đạt 49.700 tỷ đồng, giảm 7,87% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid. Nếu hai tháng đầu năm 2019, bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng, thì hai tháng đầu năm nay chỉ thu khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày.

Còn chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm từ 50,6 điểm trong tháng 1/2020 xuống 49 điểm trong tháng 2/2020. Sản lượng giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 6 năm qua, số lượng đơn đặt hàng mới giảm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2015.

Thống kê của ngành ngân hàng cho thấy, có 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước những thiệt hại nặng nề của các DN, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất, khoanh, giãn nợ,… cho 44.000 khách hàng với dư nợ tín dụng lên tới 222.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được hỗ trợ. Các DN phải đáp ứng một số điều kiện nhất định như: có xếp hạng tín dụng tốt qua nhiều kỳ liên tiếp; tình hình tài chính ổn định, minh bạch trước dịch; có lịch sử vay trả đúng hạn; là khách hàng truyền thống và có giao dịch tín dụng liên tục…

Theo các DN, việc giảm lãi suất cho vay vào thời điểm hiện nay không mang nhiều hiệu quả, bởi DN gặp khó khăn lấy tiền đâu trả nợ. Vấn đề quan trọng là cần phải giãn nợ cho các DN. Tình hình dịch bệnh kéo dài, chưa biết khi nào dừng và sản xuất còn chịu cảnh điêu đứng, vì vậy, nếu không giãn nợ DN rất dễ bị rơi vào nhóm nợ xấu. Khi đã bị đưa vào nhóm nợ xấu thì không tiếp tục được vay vốn nữa, càng khó phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Chính phủ cần có các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước, cụ thể là giảm thuế giá trị gia tăng, để các DN có điều kiện giảm giá sản phẩm, dịch vụ qua đó tăng nhu cầu tiêu dùng.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19da giàydệt maylãi suấtlinh kiệnngân hàng

Các tin liên quan đến bài viết