Chỉ vì ghen mà bị cáo mất lý trí dẫn đến hành động sai quấy khiến gia đình tan nát, bản thân phải vào chốn lao lung…
Giá như cha đừng nghiện rượu, đừng nóng nảy thì tụi con đâu đến nông nổi này. Những ngày không có cha, hai anh em con nhớ thương nhau mà sống…
Bị cáo Trương Văn Tấn
Khi bị dẫn giải lên xe tù, bị cáo cố rướn người qua hàng rào bảo vệ nhìn người thân đang tất tả chạy theo phía sau.
Trong khi hai bên nội ngoại lao vào đấu khẩu với nhau khiến không khí sân tòa náo loạn, hai đứa trẻ đứng khóc một mình, không biết bênh ai, rồi thui thủi về nhà cùng bà nội – về nơi không có bóng mẹ, bóng cha…
Sai lầm nối sai lầm
Phiên tòa xử lưu động đông nghịt, phòng xử không còn ghế trống, người xem đứng chen kín cửa. Trong phòng xử, không khí căng thẳng, ngột ngạt.
Dãy ghế bên phải là thân nhân bị hại gồm vợ và mẹ vợ của bị cáo. Dãy bên trái, thân nhân bị cáo gồm mẹ ruột và hai con của bị cáo. Thỉnh thoảng, bên bị hại ném cái nhìn như có lửa về phía thân nhân bị cáo.
Còn bị cáo ngồi sau vành móng ngựa, luôn tận dụng cơ hội để quay đầu xuống nhìn hai con trai đang ngồi bên bà nội.
Chuông reo. Phiên xử bắt đầu.
Theo cáo trạng, Trương Văn Tấn và vợ là chị Trần Thị Ánh sống chung với nhau được 16 năm và có hai mặt con. Giữa năm 2016, Tấn và chị Ánh thường xảy ra gây gổ, cự cãi do Tấn nghi ngờ chị Ánh có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác.
Mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt, khiến chị Ánh bỏ nhà lên TP.HCM làm thuê, rồi giấu biệt không cho chồng biết địa chỉ. Tấn nhiều lần đến nhà cha mẹ vợ hỏi chỗ ở của vợ nhưng không được.
Chiều đó, sau khi nhậu xong, Tấn đi tìm cha vợ để năn nỉ ông kêu vợ về, nhưng cha vợ chẳng những từ chối mà còn thách thức con rể. Vậy là trong cơn say, Tấn đã rút dao đâm chết cha vợ…
Tại tòa, bị cáo bào chữa rằng: “Rất thương vợ nhưng không ngờ vợ lại bỏ đi. Bị cáo đã nhiều lần tìm đến nhà năn nỉ cha mẹ vợ kêu vợ bị cáo về, còn không thì chỉ chỗ ở vợ cho bị cáo nhưng phía nhà vợ không chịu.
Hôm đó, khi đang nhậu, bị cáo nhìn thấy người ta chở vợ khiến bị cáo rất nhớ vợ mình nên tìm gặp cha vợ năn nỉ nhưng không ngờ cha vợ nói “vợ mày về ở với mày, tao không phải người ta”.
Sẵn có rượu trong người, cộng thêm bị xúc phạm khiến bị cáo giận quá, quơ dao đâm đại, chứ không hề muốn giết chết cha vợ”.
Chủ tọa hỏi người vợ: “Tại sao chị lại bỏ nhà đi?”. Người vợ trình bày: “Bị cáo nghiện rượu, trước đây, mỗi lần uống say là hay đánh đập tôi, giờ bị cáo lại thêm ghen tuông vô cớ, nên đánh đập tôi nhiều hơn khiến tôi chịu hết nổi nên mới bỏ đi”.
Chủ tọa hỏi bị cáo, có đúng là bị cáo nghiện rượu và hay đánh đập vợ không? Bị cáo trả lời rằng do rất thương vợ, nên khi nghe vợ cặp với người khác khiến bị cáo tức tối mới uống rượu rồi đánh vợ.
Chủ tọa phân tích: bên cạnh sai quấy là nghiện rượu rồi bạo hành vợ, thì bị cáo có thấy cách giải quyết bằng cách đi từ sai lầm này đến sai lầm khác đã gây ra hậu quả khốc liệt không?
Nếu giả sử vợ có sai quấy, bị cáo không thể chấp nhận được thì hãy ly dị; còn nếu như bị cáo đã tha thứ thì bỏ qua, chứ sao lại cứ rượu vào rồi đánh vợ, khiến vợ phải bỏ đi.
Xin tòa cho cha cháu nhẹ tội
Với giọng căm phẫn, tại tòa, mẹ vợ của bị cáo nói: “Yêu cầu xử thật nghiêm, dù gia đình tôi rất tốt với nó. Dù nhà nghèo, nhưng khi thấy gia cảnh nhà con gái mình rách nát, vợ chồng tôi vì quá thương cháu ngoại mà cho 28 triệu đồng để vợ chồng sửa chữa. Vậy mà nó lại đâm chết chồng tôi…”.
Ngay cả vợ bị cáo cũng nói rằng “không bao giờ tha thứ cho bị cáo”. Chị cũng nằng nặc đòi xử đúng luật để răn đe kẻ khác.
Tại tòa, khi nghe gọi tên mình, đứa con đầu của bị cáo đã bật khóc thốt lên: “Xin tòa xử cho cha cháu nhẹ tội. Cha cháu rất cực khổ, làm thuê để nuôi tụi cháu”.
Khi tòa hỏi chuyện học của hai đứa trẻ, cả hai trả lời bằng giọng buồn hiu: “Trước đây, năm nào cũng lãnh giấy khen khá giỏi, nhưng gần đây cha mẹ cứ lục đục, rồi kế đó buồn cảnh gia đình ly tán nên học không nổi, từ khá rớt thẳng xuống kém”.
Tại tòa, nữ hội thẩm đã trách người vợ: “Chị thấy trong việc này có phần lỗi của mình không? Con còn nhỏ, cần sự dạy bảo che chở của người mẹ. Vậy mà chị giận chồng rồi bỏ luôn con”.
Nghe vậy, người vợ trình bày: “Tôi không có nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào chồng nên chồng tôi mới khinh dễ bạo hành tôi. Vì vậy, tôi đi làm thuê để kiếm tiền về nuôi các con”.
Hội thẩm hỏi tiếp: “Nhưng dù gì chị cũng phải giữ liên lạc với các con của mình. Đâu thể phó mặc hai đứa nhỏ cho chồng chị được”. Nghe vậy, người vợ im lặng.
Và có lẽ muốn dịu đi không khí căng thẳng, muốn hai đứa trẻ có động lực để tiếp tục việc học cũng như muốn cho người cha có động lực phấn đấu để sớm quay về với các con, chủ tọa ôn tồn: “Hai con có hứa với cha là cố gắng học tốt để cha vui có động lực cải tạo tốt không?”.
Đứa lớn mếu máo: “Dạ, con hứa cố gắng học…”. Chủ tọa quay sang người cha: “Bị cáo có hứa, trong tù sẽ cố gắng cải tạo tốt, về với con để con có động lực học không?”. Chỉ cần nghe đến đó, người cha gật đầu mà nước mắt chảy quanh.
“Giá như cha đừng nghiện rượu”
Giờ nghị án, chủ tọa cho phép bị cáo được gặp các con. Chỉ đợi có vậy, hai đứa con chạy ào đến ôm cha. Tiếng khóc vỡ òa.
Từ ngày cha bị tạm giam đến nay, cả hai mới vùi được vào lòng cha nên cứ nức nở khóc. Người cha xoa đầu từng đứa con, dặn dò: “Hai con cố học, đừng để giống như cha cả đời dốt nát, phải cực khổ làm thuê”.
Hai đứa con gật đầu, nắm chặt tay cha nhiều hơn. Người cha nghèn nghẹn: “Cha xin lỗi con, giá như cha đừng nghiện rượu, đừng nóng nảy thì tụi con đâu đến nông nổi này. Những ngày không có cha, hai anh em con nhớ thương nhau mà sống…”.
Nói đến đây, người cha xúc động không nói được nữa. Khi công an báo hết giờ, người cha cứ bịn rịn cố níu kéo thêm cái ôm chầm từng đứa con vào lòng như muốn ghì chặt bao nhiêu thương nhớ cho những ngày dài xa cách sắp tới.
Nhìn cảnh đó, nhiều người dự khán thở dài, tiếc cho bị cáo, nếu đừng nghiện rượu, và nếu giả sử vợ có sai quấy, bị cáo không thể chấp nhận được thì hãy ly dị; còn nếu như bị cáo đã tha thứ thì đừng để cơn cuồng ghen trói buộc để rồi dẫn đến tấn bi kịch hôm nay.
Tòa tuyên án bị cáo Tấn 18 năm tù về tội “giết người”.
Đâu đó có tiếng của người dự khán: “18 năm, khi ra tù thì bị cáo gần 60 tuổi. Hai đứa con cũng trên dưới 30 tuổi rồi còn gì”.
Nguồn: tuoitre.vn