Là thôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, lại xa trung tâm xã… là những nguyên nhân chính khiến con em thôn Phú Bình, xã Phú Riềng (Phú Riềng) bỏ học nhiều.
CHƯA CÓ NGƯỜI HỌC LÊN CẤP III
Thôn Phú Bình có 98 hộ, trong đó chỉ có 12 hộ người Kinh, còn lại là dân tộc S’tiêng. Theo nhẩm tính sơ bộ của Trưởng thôn Điểu Chính, ngoài 12 hộ người Kinh cho con học ở trung tâm xã hoặc đã trưởng thành thì số con em đồng bào S’tiêng bậc tiểu học đã bỏ học lên hàng chục. Từ bậc mầm non đến THPT, mỗi độ tuổi có khoảng 20 em, trong đó bậc mầm non, lớp 1 và lớp 2 còn đi học đầy đủ, nhưng từ lớp 3 trở lên bỏ học nhiều. Hiện lớp 3 còn khoảng 10 học sinh, lớp 4 khoảng 7 cháu, đến lớp 6 còn 3 và lớp 9 chỉ còn 1 học sinh đang học, đó là con ông Điểu Sơn, người có uy tín trong làng. Và học đến cấp 3 thì con em thôn Phú Bình chưa bao giờ “với” tới.
Vợ chồng anh Điểu Phương B có 4 người con, trong đó con đầu 11 tuổi đã bỏ học khi lên lớp 5, con thứ hai 9 tuổi bỏ học khi lên lớp 3, con thứ ba dù đã 7 tuổi, nhà ở sát nhà văn hóa thôn và đối diện điểm lẻ Phú Bình, Trường tiểu học Phú Riềng B nhưng chưa một ngày đến trường. Anh Điểu Phương B cho biết, đứa con thứ ba do ít tiếp xúc với bên ngoài nên nhút nhát, rụt rè chưa vận động đi học được, còn lại 2 đứa đầu do ở xa trường, không có xe đưa đón nên nghỉ học. Vợ chồng chị Thị Bích – chị vợ của anh Điểu Phương B, nhà ở sát bên có 3 con đang tuổi ăn học nhưng đã bỏ học. Cuối thôn là nhà ông Điểu Mol, một hộ nghèo “gia truyền”. Trưởng thôn Điểu Chính cho biết, gia đình ông Mol có 6 người con nhưng tất cả chỉ học hết lớp 2 rồi bỏ học. Trước đây, ông Mol có 8 sào đất, nhưng đã bán hết từ lâu nên cả gia đình phải đi làm thuê kiếm sống.
Lớp 1A6 điểm lẻ Phú Bình trong giờ học
Nguyên nhân của tình trạng bỏ học, ngoài nghèo khó, đa số phụ huynh chưa quan tâm đến việc học của con em và do thiếu phòng học ở điểm lẻ Phú Bình. Thôn cách điểm chính Trường tiểu học Phú Riềng B 12km, đường đi dốc, trơn trượt và đến nay mới chỉ có 1 phòng học cho lớp 1 và lớp 2. Phòng học được xây dựng từ năm 2004, trên nền đất mượn tạm của bà Thị Vân với tổng diện tích khoảng 100m2. Đầu năm học vừa qua, thầy trò nhà trường vui mừng được các nhà hảo tâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 50 triệu đồng kéo điện thắp sáng, lắp quạt trần, tủ sách và sơn sửa toàn bộ phòng học. Thầy Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm lớp 1A6, điểm lẻ Phú Bình cho biết: Lớp có 12 em, đều là người S’tiêng, đến lớp đầy đủ, đúng giờ. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch điều thì học sinh nghỉ học nhiều để theo cha mẹ vào rẫy.
Ngoài thiếu phòng học ở bậc tiểu học, đến nay thôn Phú Bình vẫn chưa có điểm trường mầm non. Nhằm tránh tình trạng lên thẳng lớp 1, cuối năm học 2014-2015, Trường mẫu giáo Phú Riềng Đỏ mượn tạm nhà văn hóa cộng đồng thôn thành lập điểm lẻ cho các cháu trong độ tuổi từ 3-6 theo học.
BÁO CÁO 8 NĂM LIỀN KHÔNG CÓ HỌC SINH BỎ HỌC(!?)
Thầy Tạ Văn Sách, Hiệu phó Trường tiểu học Phú Riềng B cho biết: Tình trạng học sinh người S’tiêng bỏ học trên thực tế là có, nhưng số lượng bao nhiêu thì chưa thống kê được. Hằng năm, cán bộ phổ cập đều đi điều tra nhưng thiếu thông tin do người dân khai không chính xác, thậm chí không biết con mình sinh năm nào. Nhiều trường hợp nói xin chuyển đi nơi khác theo học nhưng thực tế là bỏ học ở nhà. Tôi về trường công tác 10 năm nay, trong đó 8 năm đều làm báo cáo không có học sinh bỏ học. Sở dĩ phải làm như thế là thực hiện chỉ tiêu trên giao, hằng năm tỷ lệ học sinh bỏ học không quá 1%. Còn nếu có học sinh bỏ học thì phải tìm mọi cách vận động ra lớp. Vận động không được sẽ bị kỷ luật, cắt hết các danh hiệu thi đua. Và trên thực tế, hằng năm trường đều tìm mọi cách, thậm chí là bỏ tiền túi mua quà để vận động các em ra lớp, nhưng được vài hôm thì đâu lại vào đấy. Nguyên nhân phần lớn là do nhà xa trường, ý thức người dân còn hạn chế, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.
Trường tiểu học Phú Riềng B có 686 học sinh/28 lớp/5 điểm trường. Trừ điểm chính còn lại 4 điểm lẻ chưa có nhà vệ sinh, cổng, hàng rào, sân chơi, trong đó điểm lẻ Phú Bình, Phú Thuận, Lô Xê (Phú Thuận) trường còn mượn tạm đất của dân. Và hiện hầu hết điểm trường đều thiếu phòng học nên chưa có lớp nào tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Phó chủ tịch UBND xã Phú Riềng Hồ Trung Cường thừa nhận có tình trạng học sinh bỏ học và đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua nhưng khó giải quyết dứt điểm. Vì vận động ra lớp đã khó nhưng để duy trì còn khó hơn. Về xây dựng phòng học ở Phú Bình, ông Cường cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2018, huyện cho chủ trương xã vận động doanh nghiệp, các hộ dân bán đất. Khi có quỹ đất mới thực hiện các phương án tiếp theo.
Vũ Thuyên